Giám đốc GTVT Hà Nội khẳng định, trong thời gian giãn cách xã hội, hoạt động giao hàng ("shipper") bị cấm hoàn toàn để phòng dịch Covid-19.
Giám đốc GTVT Hà Nội khẳng định, trong thời gian giãn cách xã hội, hoạt động giao hàng ("shipper") bị cấm hoàn toàn để phòng dịch Covid-19.
Sáng 24/7, ông Nguyễn Văn Phong, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội đã chủ trì hội nghị thông tin về các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn Thành phố, trong bối cảnh Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội toàn thành phố từ 6 giờ ngày 24/7.
Tại cuộc họp, lãnh đạo Sở Y tế, Giao thông Vận tải (GTVT), Công Thương đã thông tin cũng như làm rõ các giải pháp của Thủ đô cũng như các vấn đề người dân quan tâm trong việc thực hiện giãn cách xã hội.
Theo TTXVN, liên quan đến vấn đề dư luận quan tâm về việc “shipper” có được hoạt động hay không, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Vũ Văn Viện cho biết, trong sáng ngày 24/7, sở đã báo cáo UBND TP. Hà Nội và quyết định cấm “shipper” hoạt động.
Ông Viện lý giải: “Đây là lực lượng lớn, chưa kiểm soát được dịch bệnh tốt nên tạm thời thành phố cấm hoạt động trên tinh thần phòng dịch trên hết để bảo vệ an toàn cho người dân. Sau hội nghị này Sở GTVT sẽ có văn bản chính thức công bố việc này, gửi đến các đơn vị cung cấp dịch vụ kết nối để thực hiện đúng tinh thần Chỉ thị 17 của UBND TP về việc giãn cách xã hội”.
Lý giải vì sao Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội, Phó Bí thư Thành uỷ cho biết: “Căn cứ diễn biến dịch bệnh ở thành phố, từ 27/4 đến nay đã có 675 ca mắc. Trong đó, có 257 ca trong cộng đồng, nhiều ca F0 bị mất dấu, nguy cơ lây lan cao đòi hỏi các biện pháp mạnh mẽ hơn. Với tính chất Thủ đô là trung tâm của các nước, đầu mối giao thông trọng điểm, nếu không đảm bảo phòng dịch tốt sẽ tác động lớn với cả nước. Thủ tướng cũng đã chỉ đạo phải bảo vệ thành trì, thành quả chống dịch của Thủ đô”.
=> Xem thêm: Giãn cách xã hội có được đi làm không?
Trao đổi thêm về các vấn đề mà báo chí, dư luận quan tâm, Phó Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, các phương án, kịch bản theo từng cấp độ dịch đã được thành phố chỉ đạo các cơ quan chức năng chuẩn bị sẵn sàng. Sở Y tế đã chuẩn bị các phương án từ việc cách ly, điều trị tiêm chủng theo các mức độ dịch bệnh khác nhau.
“Ngành y tế Thủ đô đảm bảo được công tác phòng chống dịch, điều trị, tiêm chủng trong các tình huống. Trang thiết bị, vật tư đến nhân lực đã được chuẩn bị kỹ càng. Người dân yên tâm bởi ngoài nguồn lực l của TP Hà Nội còn có nguồn lực từ các cơ quan trung ương, quân đội, công an, các cơ sở y tế tư nhân”.
Khi thực hiện giãn cách xã hội ít nhiều sẽ có tác động đến đời sống người dân, hoạt động của doanh nghiệp, cơ quan nhà nước và nhất là nhóm yếu thế như hộ nghèo, người lao động, khuyết tật… Thành phố đã có kế hoạch hỗ trợ cụ thể để từng xã, phường, thôn xóm.
"Căn cứ thực tiễn, ngoài chính sách chung của Chính phủ, có thể thành phố sẽ có thêm chính sách riêng để hỗ trợ người dân. Trên tinh thần chống dịch như chống giặc; lấy sức khỏe, sự an toàn của người dân là mục tiêu hàng đầu”, Phó Bí thư Thành ủy cho biết.
Một số ứng dụng giao hàng, xe ôm công nghệ cũng đã phát đi thông báo tới đội ngũ shipper; trong đó ứng dụng Grab thông báo tạm ngừng cung cấp dịch vụ vận chuyển hành khách 2 bánh là GrabBike, GrabBike Economy; dịch vụ vận chuyển hành khách 4 bánh là GrabCar, GrabCar Economy, GrabCar Pluss, GrabCar Doanh Nghiệp, GrabTaxi và dịch vụ giao đồ ăn GrabFood trên địa bàn Hà Nội theo thời gian chỉ thị quy định.
=> Xem thêm: Hà Nội ngày đầu thực hiện giãn cách xã hội: Nơi vắng vẻ lạ thường, nơi tấp nập người qua lại
Tối muộn 23/7, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Chu Ngọc Anh quyết định thực hiện cách ly toàn xã hội trong vòng 15 ngày kể từ 6h ngày 24/7 trên phạm vi toàn TP theo nguyên tắc gia đình cách ly với gia đình; khu phố cách ly với khu phố; thôn bản cách ly với thôn bản; xã, phường cách ly với xã, phường; quận, huyện cách ly với quận, huyện; TP cách ly với tỉnh; cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu, phân xưởng, nhà máy sản xuất phải đảm bảo an toàn phòng chống dịch theo quy định.
Ngoài ra, theo nội dung chỉ thị, TP. Hà Nội yêu cầu dừng các hoạt động vận tải hành khách đường bộ bằng ôtô, đường thủy: xe buýt, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch, xe khách liên tỉnh, hoạt động bến khách ngang sông, bến thủy nội địa, vận tải hành khách công cộng vận chuyển hành khách bằng xe môtô (bao gồm xe có sử dụng phần mềm ứng dụng công nghệ kết nối với hành khách và xe ôm); trừ trường hợp: phục vụ công tác phòng chống dịch, công vụ, ngoại giao, vận chuyển công nhân, chuyên gia.
Công tác vận tải hàng hóa phải đảm bảo phòng chống dịch theo hướng dẫn của Sở Giao thông vận tải (vận tải hàng hóa thiết yếu được ưu tiên "luồng xanh" vào TP).