Từ khi doanh nghiệp hoạt động trở lại sau đại dịch COVID-19, nhiều công nhân tại Quảng Nam lại tiếp tục đối diện với chi phí thuê nhà mỗi tháng và nhiều khoản khác, trong khi thu nhập có hạn.
Từ khi doanh nghiệp hoạt động trở lại sau đại dịch COVID-19, nhiều công nhân tại Quảng Nam lại tiếp tục đối diện với chi phí thuê nhà mỗi tháng và nhiều khoản khác, trong khi thu nhập có hạn.
Các công nhân đều mong ước có ngôi nhà ổn định lâu dài để yên tâm lao động, sản xuất.
Ước vọng về ngôi nhà của người thu nhập thấp
Anh Lê Công Thành và vợ là Phạm Thị Ngọc làm việc tại một nhà máy trong Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc (thị xã Điện Bàn). Anh Thành chia sẻ, thu nhập của hai vợ chồng mỗi tháng được 15 triệu đồng. Nếu không phải trả tiền thuê nhà (mỗi tháng 3 triệu đồng), cuộc sống của gia đình anh gồm 3 người, cơ bản ổn định và có tiền tích lũy.
Cách đây 2 năm, khi có thông tin công nhân làm việc trong khu công nghiệp sẽ được mua nhà theo dự án nhà ở cho người thu nhập thấp, gia đình anh rất mừng. Tuy nhiên đến nay, nhà ở cho người thu nhập thấp vẫn chưa thấy đâu, trong khi hằng tháng, ngoài chi phí sinh hoạt, tiền học phí cho con, vợ chồng anh còn phải trả tiền thuê nhà. Mong ước của vợ chồng anh cũng như của nhiều gia đình công nhân ở Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc là có nhà ở ổn định lâu dài.
Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Xuân Hà cho biết, mong ước của gia đình anh Thành cũng là mong ước của nhiều cặp vợ chồng trẻ đến từ nhiều địa phương khác nhau và đang làm việc tại Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc. Hiện nay, nhu cầu về nhà ở xã hội tại thị xã Điện Bàn, nhất là khu vực lân cận Khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc rất lớn. Số lượng công nhân, người lao động có thu nhập thấp thuê trọ tại nhà dân tương đối nhiều.
Thêm vào đó, việc đăng ký tạm trú chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu, an ninh, trật tự tại địa phương rất khó khăn, phức tạp. Mặt khác, điều kiện sinh hoạt tại một số khu nhà trọ cho công nhân không đảm bảo. Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các khu nhà ở xã hội tại địa phương để phục vụ nhu cầu về nhà ở, đất ở cho công nhân, người lao động có mức thu nhập thấp là rất cần thiết.
Nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở công nhân khu công nghiệp Điện Nam - Điện Ngọc nói riêng và các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là rất lớn. Thị xã Điện Bàn có những dự án nhà ở cho người thu nhập thấp như: Dự án của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Bất động sản châu Âu gồm 469 căn nhà ở chung cư và nhà ở liền kề; Dự án của Công ty Cổ phần Tư vấn nông nghiệp nông thôn và dịch vụ thể thao du lịch STO gồm 1.176 căn. Tuy nhiên, đến thời điểm này vẫn chưa có khu nhà ở nào cho công nhân đi vào hoạt động.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam Ngô Ngọc Hùng chia sẻ, việc triển khai xây dựng nhà ở cho công nhân tại các khu công nghiệp còn nhiều vướng mắc như: Do đặc tính sở hữu, người dân muốn sở hữu tài sản riêng gắn liền với đất đai lâu dài; muốn được tự do lựa chọn về quy mô, vị trí chỗ ở; trong khi đó vị trí xây dựng các khu nhà chung cư ở xa khu dân cư hiện hữu, xa trung tâm thương mại và các dịch vụ hạ tầng khác. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư thường ít quan tâm đến dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho người thu nhập thấp do thủ tục kéo dài, lợi nhuận thấp.
Giải quyết bài toán nhà ở với những biện pháp khả thi
Trước nhu cầu bức bách về nhà ở cho công nhân tại các khu, cụm công nghiệp, tại cuộc đối thoại với công nhân vào cuối tháng 8/2022, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường yêu cầu Ban Cán sự đảng UBND tỉnh chỉ đạo Ban Quản lý các Khu kinh tế và Khu công nghiệp tỉnh, các sở, ngành liên quan khảo sát nhu cầu thực tế về nhà ở, nhà trẻ, các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ công nhân, người lao động tại các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh. UBND các huyện, thị xã, thành phố có khu công nghiệp chủ động đề xuất kế hoạch, lộ trình, các cơ chế, chính sách phù hợp để đầu tư xây dựng.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Trần Anh Tuấn: “An sinh xã hội trong đó có sự cần thiết của nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, cho người có thu nhập thấp là những ưu tiên hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, đối với những dự án nhà ở xã hội đang thực hiện dở dang và kéo dài trong thời gian qua, Sở Xây dựng, các ngành chức năng và nhà đầu tư sớm đề xuất giải pháp khả thi để đẩy nhanh tiến độ nhằm hoàn thiện dự án, đưa vào sử dụng. Đối với dự án mới thì yêu cầu chủ đầu tư phải có cam kết thời gian thực hiện và hoàn thiện dự án cũng như thông tin chi tiết về các dự án nhà ở xã hội để công nhân, người lao động được quyền lựa chọn.
Thị xã Điện Bàn là địa phương phát triển nhanh về quy mô và số lượng cụm công nghiệp, thu hút lượng lớn công nhân và người lao động của tỉnh Quảng Nam. Phó Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn Nguyễn Xuân Hà thông tin, thị xã đã có Tờ trình gửi UBND tỉnh Quảng Nam, Sở Xây dựng về việc phê duyệt danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội phục vụ nhu cầu về nhà ở, đất ở cho công nhân và người lao động có mức thu nhập thấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn đến năm 2025 đối với 5 danh mục dự án tại phường Điện Nam Trung, Điện Nam Đông, phường Điện Ngọc, tổng diện tích 30,5 ha. “Những dự án này được cấp có thẩm quyền phê duyệt và được triển khai đảm bảo tiến độ sẽ góp phần lớn trong việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho công nhân”, ông Nguyễn Xuân Hà bày tỏ.
Phó Giám đốc Sở Xây dựng Quảng Nam Ngô Ngọc Hùng cho biết, trong những năm qua, các khu công nghiệp trên địa bàn phát triển nhanh về quy mô và số lượng, thu hút và giải quyết việc làm cho hàng vạn lao động. Tỉnh Quảng Nam cũng đã có chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030 để đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho khoảng 50 nghìn công nhân và người lao động tại các khu, cụm công nghiệp.
Theo ông Ngô Ngọc Hùng, để thực hiện có hiệu quả chương trình phát triển nhà ở giai đoạn 2021-2030, thực hiện chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Sở Xây dựng Quảng Nam đang phối hợp với UBND các huyện, thành phố, Ban Quản lý các khu kinh tế, khu công nghiệp trong tỉnh quan tâm bố trí quỹ đất phát triển nhà ở công nhân, trong đó ưu tiên lựa chọn địa điểm tại các vị trí thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng, giảm chi phí đầu tư và gần các tiện ích xã hội hiện hữu. Đây là những giải pháp xuyên suốt trong việc giải bài toán về nhà ở xã hội, nhà ở cho người có thu nhập thấp trong thời gian tới./.