Dù nhu cầu viện trợ đang gia tăng, nhưng giá lương thực thế giới tiệm cận ở mức cao kỷ lục buộc một số ngân hàng lương thực châu Âu phải giảm lượng thực phẩm mà họ cung cấp.
Dù nhu cầu viện trợ đang gia tăng, nhưng giá lương thực thế giới tiệm cận ở mức cao kỷ lục buộc một số ngân hàng lương thực châu Âu phải giảm lượng thực phẩm mà họ cung cấp.
Trong hơn một năm qua, chi phí gia tăng của mọi loại thực phẩm, từ ngũ cốc đến sữa, đi kèm với giá năng lượng tăng vọt, “bóp nghẹt” ngân sách các hộ gia đình vốn đã căng thẳng vì đại dịch Covid-19.
Điều đó đã khiến một số người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu và làm trầm trọng thêm cuộc khủng hoảng nghèo đói toàn cầu, bởi ngay cả những người đang có việc làm và thu nhập cũng tìm kiếm thêm nguồn hỗ trợ lương thực.
Tình hình này cũng đang tạo ra các vấn đề liên quan đến các ngân hàng thực phẩm, vốn dựa vào các khoản đóng góp. Họ đang "vật lộn" để đáp ứng nhu cầu được hỗ trợ khi người dân toàn cầu “thắt chặt hầu bao”, trong khi các trung tâm viện trợ phải mua hàng với giá đắt đỏ hơn. Điều đó, cộng thêm với các vấn đề khó khăn về logistics và tình trạng thiếu nhân công đã làm gián đoạn chuỗi cung ứng nói chung.
Sabine Goodwin, điều phối viên của Mạng lưới viện trợ lương thực độc lập (IFAN) của Vương quốc Anh cho biết: “Các ngân hàng lương thực vẫn đang tiếp tục thiếu hụt một số mặt hàng và chắc chắn nguồn cung thực phẩm của họ đang giảm dần”.
Những lo ngại của Goodwin tương tự những gì mà một cuộc khảo sát vào tháng 10/2021 của IFAN đã cảnh báo, trong đó 45% ngân hàng thực phẩm của Anh cho biết họ cần xem xét giảm quy mô các gói hỗ trợ hoặc từ chối bớt một số đối tượng vì vấn đề nguồn cung và nhu cầu viện trợ tăng cao hơn.
Quỹ từ thiện Trussell Trust của Anh vào tháng trước cho biết, các yêu cầu viện trợ hiện cao hơn nhiều so với mức trước đại dịch, khi nhu cầu viện trợ từ tháng 4 đến tháng 9/2021 tăng 11% so với cùng kỳ năm 2019. Tại Pháp, một nhóm cho biết nhu cầu tại các ngân hàng thực phẩm của họ đã tăng gần 12% trong quý 3/2021.
Chỉ số giá thực phẩm của Liên hợp quốc đã tăng gần 50% kể từ tháng 5/2020, gần đạt mức cao nhất mọi thời đại. Thời tiết xấu đã hạn chế sản lượng thu hoạch nông sản trên khắp thế giới, trong khi giá năng lượng và phân bón tăng đã làm đội thêm chi phí sản xuất. Nguồn cung tắc nghẽn khiến các kệ hàng siêu thị đôi khi rơi vào tình trạng trống rỗng.