Giá lương thực và thực phẩm trên thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, do nhu cầu tăng mạnh và mùa màng ở một số nông sản thất thu, theo thông tin của Liên hiệp quốc.
Giá lương thực và thực phẩm trên thế giới đã tăng lên mức cao nhất trong hơn 1 thập kỷ, do nhu cầu tăng mạnh và mùa màng ở một số nông sản thất thu, theo thông tin của Liên hiệp quốc.
Trong tháng 10 vừa qua, giá lương thực - thực phẩm toàn cầu tăng tháng thứ ba liên tiếp, với mức tăng 3% so với tháng 9, theo chỉ số của Tổ chức Nông lương thuộc Liên hiệp quốc (FAO). Sự gia tăng này chủ yếu do giá dầu thực vật và giá lúa mỳ tăng mạnh.
Chỉ số giá lương thực-thực phẩm của FAO theo dõi biến động giá cả mỗi tháng các mặt hàng này trên toàn cầu. Trong vòng 1 năm trở lại đây, chỉ số đã tăng hơn 30%. Hiện chỉ số đang đứng ở mức cao nhất kể từ tháng 7/2011.
Giá lúa mỳ, nông sản hiện được trồng trên diện tích đất nhiều hơn bất kỳ nông sản thương mại nào khác, tăng 5% trong tháng 10 do sản lượng giảm tại những nước xuất khẩu lúa mì chủ chốt, gồm Canada, Nga và Mỹ. Giá lúa mạch, gạo và ngô cũng đồng loạt tăng.
Giá các loại dầu cọ, đậu tương, hạt hoa hướng dương leo thang dẫn tới mức tăng 9,6% trong giá dầu thực vật thuộc chỉ số của FAO. Giá dầu cọ tăng vọt do lo ngại về sản lượng suy giảm ở Malaysia vì nước này đang khan hiếm lao động nhập cư làm việc tại các đồn điền trồng cọ.
Báo cáo của FAO cũng cho biết nhu cầu tăng trên toàn cầu đối với nhiều sản phẩm như bột sữa, thịt gia cầm, dầu thực vật lúa mạch.
Nguồn cung và giá cả lương thực - thực phẩm trên toàn cầu đang chịu nhiều áp lực từ thời tiết cực đoan, gián đoạn chuỗi cung ứng, thiếu nhân công và chi phí gia tăng.
Siêu thị tại một số nền kinh tế lớn đã gặp nhiều khó khăn trong việc giữ đủ hàng hoá trên kệ tại nhiều thời điểm trong đại dịch Covid-19. Tại Anh, tình trạng thiếu lao động nhập cư ngày càng trầm trọng do Brexit, các chuỗi cửa hiệu đồ ăn nhanh đã buộc phải rút một số món ăn được ưa chuộng khỏi thực đơn do không thể đáp ứng.
Tuần trước, Bộ Thương mại Trung Quốc bất ngờ ra thông báo kêu gọi người dân tích trữ lương thực-thực phẩm trong mùa đông năm nay, khiến người dân nước này lo ngại và đổ xô đi mua hàng hoá. Thông báo của Bộ Thương mại Trung Quốc yêu cầu các chính quyền địa phương đảm bảo người dân có đủ nguồn cung cấp các mặt hàng thiết yếu trong những tháng mùa đông và giữ ổn định giá lương thực-thực phẩm.
Giá nguyên liệu đầu vào tăng đang đẩy cao chi phí đối với các công ty sản xuất hàng tiêu dùng, trong đó nhiều doanh nghiệp không còn cách nào khác đành tăng giá bán sản phẩm cho người tiêu dùng. Các tập đoàn Unilever, Kraft Heinz và Modelez đều đã tăng giá bán các sản phẩm phổ biến.
Tuy nhiên, áp lực tăng giá lương thực - thực phẩm có thể giảm bớt ở một số lĩnh vực trong thời gian tới.
Nhu cầu thịt lợn giảm ở Trung Quốc trong khi nguồn cung tăng đã giúp đẩy chỉ số giá thịt của FAO giảm tháng thứ ba liên tiếp. Giá đường mía cũng giảm trong tháng 10 sau 6 tháng tăng liên tục.