Giá dầu tại châu Á tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm trong phiên dịch sáng nay (29/3).
Giá dầu tại châu Á tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm trong phiên dịch sáng nay (29/3).
Giá dầu đi xuống do những lo ngại lực cầu suy giảm, sau khi thành phố Thượng Hải (Trung Quốc) áp dụng biện pháp đóng cửa một phần để ứng phó với dịch bệnh COVID-19. Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tại thị trường châu Á giảm 1,41%, xuống 104,5 USD/thùng. Trong khi giá dầu Brent kỳ hạn cũng giảm 1,24%, xuống mức 111,08 USD/thùng.
Các chuyên gia dự đoán, tình hình dịch bệnh phức tạp tại Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ khiến thị trường năng lượng tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn.
Trên thị trường chứng khoán, hầu hết các chỉ số chủ chốt của khu vực châu Á - Thái Bình Dương đều tăng điểm.
Giới đầu tư hiện đang dành nhiều sự chú ý tới diễn biến của đồng Yen Nhật, vốn đang ở gần mức đáy của 6 năm, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) thông báo thực hiện nghiệp vụ khẩn cấp mua vào trái phiếu Chính phủ để ngăn chặn đà tăng của lãi suất dài hạn.
Ngày 28/3, giá dầu đã giảm xấp xỉ 7% sau khi Thượng Hải - trung tâm tài chính của Trung Quốc, thực hiện các biện pháp phong tỏa nhằm hạn chế sự gia tăng các ca nhiễm COVID-19 làm dấy lên lo ngại về nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới giảm mạnh.
Thượng Hải bắt đầu đợt phong tỏa 26 triệu dân trong 2 giai đoạn. Theo chính quyền thành phố, việc phong tỏa và xét nghiệm diễn ra trong vòng 9 ngày. Khoảng 11 triệu dân tại các quận ở phía đông và một số quận phía tây sông Hoàng Phố sẽ bị phong tỏa từ ngày 28/3 - 1/4. Các quận còn lại với khoảng 14 triệu dân phong tỏa từ ngày 1 - 5/4.
Theo đó, giao thông công cộng, bao gồm cả các dịch vụ gọi xe công nghệ, sẽ bị ngừng trong quá trình phong tỏa. Phương tiện giao thông cũng không được lưu thông trên đường nếu không được cho phép.
Ngoài ra, tất cả công ty và nhà máy cũng phải dừng sản xuất hoặc chuyển sang làm việc từ xa, trừ những công ty cung cấp dịch vụ công hoặc thực phẩm.
Phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu Brent tiến sát mốc 120 USD/thùng sau khi lực lượng Houthi tại Yemen tấn công cơ sở dự trữ của Saudi Aramco.
Trong những tuần qua, thị trường dầu thế giới tăng nóng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Tuy nhiên, những quy định chống dịch nghiêm ngặt của chính quyền Trung Quốc đã chặn đà tăng của giá dầu.
Hồi giữa tháng này, giá dầu cũng đảo chiều sau khi các quan chức Trung Quốc đặt toàn bộ 17 triệu dân của thành phố Thâm Quyến vào tình trạng phong tỏa. Các lệnh phong tỏa khiến số người ra đường giảm mạnh, không chỉ ở những thành phố bị áp đặt lệnh cấm, mà còn tại các thành phố khác.
Chuyên gia phân tích cấp cao (có trụ sở ở Mỹ) của hãng tư vấn Oanda, ông Edward Moya, cho biết, thị trường dầu lao dốc sau khi Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero-COVID (đưa số ca nhiễm mới về 0) và đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát làn sóng COVID-19 mới.
Theo giới quan sát, nếu Trung Quốc áp đặt các lệnh phong tỏa ở nhiều khu vực hơn, tác động đối với nhu cầu dầu toàn cầu sẽ còn lớn hơn nữa. "Các lệnh phong tỏa quy mô rộng hơn sẽ ảnh hưởng đến việc di chuyển của người dân trong những tuần tới", hãng tư vấn Energy Aspects Ltd. bình luận.
S&P Global Commodity Insights đã hạ dự báo tiêu thụ xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay của Trung Quốc xuống còn 1 triệu thùng/ngày trong tháng 3, tức giảm 600.000 thùng/ngày.