Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo Tổng cục Thống kê, giá xăng dầu, giá gas tăng theo giá nhiên liệu thế giới; giá nhà ở thuê tăng trở lại sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát; giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu tăng theo giá nguyên liệu đầu vào và giá xăng dầu là nguyên nhân chính làm chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2022 tăng 0,7% so với tháng trước, tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.
Tính chung quý I/2022, CPI tăng 1,92% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 0,29% của quý I/2021 nhưng thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2017-2020; lạm phát cơ bản tăng 0,81%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, so với tháng trước, CPI tháng 3/2022 tăng 0,7% (khu vực thành thị tăng 0,75%; khu vực nông thôn tăng 0,66%), mức tăng cao nhất kể từ năm 2012 . Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm hàng tăng giá so với tháng trước; riêng nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm giá.
Trong đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 3/2022 giảm 0,27% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,09 điểm phần trăm, trong đó lương thực tăng 0,17%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm; thực phẩm giảm 0,48%, tác động giảm 0,1 điểm phần trăm; ăn uống ngoài gia đình tăng 0,08%, tác động tăng 0,01 điểm phần trăm.
Chỉ số giá nhóm lương thực tháng 3/2022 tăng 0,17% so với tháng trước, trong đó chỉ số giá nhóm gạo tăng 0,08% (Gạo tẻ ngon tăng 0,1%; gạo tẻ thường tăng 0,1%). Giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và giá vật tư phân bón, các doanh nghiệp trong nước đẩy mạnh thu mua để dự trữ.
Trong khi đó, chỉ số giá nhóm thực phẩm tháng 3/2022 giảm 0,48% so với tháng trước, tập trung ở một số mặt hàng: Giá thịt lợn giảm 2,72% so với tháng trước (làm CPI chung giảm 0,09 điểm phần trăm), trong đó khu vực thành thị giảm 3,11%; khu vực nông thôn giảm 2,45%. Giá thịt lợn giảm do quy luật tiêu dùng sau Tết Nguyên đán, giá trở về mức bình thường khi nguồn cung được đảm bảo. Sản lượng thịt lợn hơi xuất chuồng quý I/2022 ước tính đạt 1.041,6 nghìn tấn, tăng 4,3% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, giá thịt quay, giò, chả tháng Ba giảm 0,81% so với tháng trước; mỡ động vật giảm 0,43%.
Giá thịt gia cầm giảm 0,31% so với tháng trước do nguồn cung đảm bảo và nhu cầu tiêu dùng sau Tết Nguyên đán giảm. Theo đó, giá thịt gà giảm 0,36%, giá thịt gia cầm khác giảm 0,22%.
Bên cạnh các mặt hàng giảm giá, do giá nguyên liệu đầu vào, chi phí vận chuyển tăng làm cho giá dầu thực vật trong tháng tăng 2,1% so với tháng trước; đường mật tăng 0,34%; bánh, mứt, kẹo tăng 0,31%; sữa, bơ, phô mai tăng 0,24%; đồ gia vị tăng 0,21%. Giá rau tươi, khô và chế biến tháng 3/2022 bình quân tăng 0,99% so với tháng trước, trong đó giá su hào tăng 7,95%; đỗ quả tươi tăng 3,21%; rau muống tăng 3,16%; rau gia vị tăng 0,95%; bắp cải tăng 0,64%; riêng giá cà chua giảm 10,22%. Giá rau tăng chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc do thời tiết mưa rét kéo dài trong tháng 2 đã tác động đến sản lượng và giá các mặt hàng rau xanh đầu tháng 3/2022. Ở chiều ngược lại, giá rau tại các tỉnh miền Trung và miền Nam giảm do nguồn cung dồi dào.
Bên cạnh các mặt hàng trên, nhóm ăn uống ngoài gia đình tháng 3/2022 tăng 0,08% so với tháng trước; Chỉ số giá nhóm đồ uống và thuốc lá tháng 3/2022 tăng 0,06% so với tháng trước; Chỉ số giá nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tháng 3/2022 tăng 0,12% so với tháng trước do giá xăng dầu và chi phí sản xuất tăng; chỉ số giá nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tháng 3/2022 tăng 1,49% so với tháng trước; Chỉ số giá nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tháng 3/2022 tăng 0,19% so với tháng trước; Chỉ số giá nhóm giao thông tháng 3/2022 tăng 4,8% so với tháng trước; Chỉ số giá nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tháng Ba tăng 0,21% so với tháng trước; Chỉ số giá nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tháng 3/2022 tăng 0,46% so với tháng trước
Ngoài ra, giá vàng trong nước biến động tăng cùng chiều với giá vàng thế giới khi lạm phát các quốc gia tăng cao và ảnh hưởng của chiến tranh giữa Nga - UKraina. Tính đến ngày 25/3/2022, bình quân giá vàng thế giới ở mức 1.956,07 USD/ounce, tăng 4,95% so với tháng 2/2022.
Trong nước, nhu cầu mua sắm vàng gia tăng làm chỉ số giá vàng tháng 3/2022 tăng 4,51% so với tháng trước; tăng 9,36% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I năm 2022, chỉ số giá vàng trong nước tăng 3,52%.
Đối với chỉ số giá đô la Mỹ tăng 0,64%. Ngày 16/3/2022, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã tăng lãi suất cơ bản lần đầu tiên sau hơn 3 năm lên mức 0,25%-0,5% trước áp lực lạm phát gia tăng. Chỉ số đô la Mỹ tháng 3/2022 trên thị trường quốc tế đạt mức 98,47 điểm, tăng 2,58% so với tháng trước.
Trong nước, giá đô la Mỹ bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.000 VND/USD. Chỉ số giá đô la Mỹ tháng 3/2022 tăng 0,64% so với tháng trước; giảm 0,43% so với cùng kỳ năm trước; bình quân quý I năm 2022, chỉ số giá đô la Mỹ trong nước giảm 0,67%.