Nghị định số 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ, đối với hành vi sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng dầu... lãng phí có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Nghị định số 63/2019/NĐ-CP của Chính phủ, đối với hành vi sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng dầu... lãng phí có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 1-2 triệu đồng.
Theo Nghị định, hình thức xử phạt chính quy định tại Nghị định này bao gồm: Cảnh cáo và phạt tiền. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức; trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là 100 triệu đồng đối với cá nhân và 200 triệu đồng đối với tổ chức.
Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, tổ chức, cá nhân vi phạm còn bị áp dụng hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện được sử dụng để thực hiện hành vi vi phạm hành chính.
Cụ thể, trong lĩnh vực thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Nghị định quy định phạt tiền từ 1 triệu đồng đến 2 triệu đồng đối với hành vi sử dụng phương tiện thông tin liên lạc, điện, nước, xăng, dầu, sách báo, văn phòng phẩm, tổ chức hội nghị, hội thảo, chi phí tiếp khách, đi công tác trong và ngoài nước bằng kinh phí ngân sách nhà nước vượt tiêu chuẩn, định mức do cơ quan có thẩm quyền ban hành.
Tại Chương trình về tổng thế về thực hành chống lãng phí của Chính phủ ban hành năm 2022 được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái ký ngày 31/12/2021 cũng đã nhấn mạnh, cần xử lý nghiêm các cơ sở sử dụng lãng phí năng lượng, tài nguyên, tiến tới giảm cường độ năng lượng trong các ngành nghề kinh tế.
Mới đây, tại công văn số 1155/BCT-TTTN của Bộ Công Thương ký ngày 08/3/2022 gửi Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đề nghị chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh xăng dầu. Trong đó, Bộ Công Thương cũng khuyến khích doanh nghiệp và người dân sử dụng xăng dầu tiết kiệm, hiệu quả.