Dự trữ ngoại hối trên toàn thế giới đã giảm 10% trong 9 tháng đầu năm ngoái khi các quốc gia như Nhật Bản đấu tranh để bảo vệ đồng tiền của họ trước sự mạnh lên nhanh chóng của đồng USD.
Dự trữ ngoại hối trên toàn thế giới đã giảm 10% trong 9 tháng đầu năm ngoái khi các quốc gia như Nhật Bản đấu tranh để bảo vệ đồng tiền của họ trước sự mạnh lên nhanh chóng của đồng USD.
Tổng dự trữ ngoại hối toàn cầu giảm xuống còn 11,6 nghìn tỷ USD vào cuối tháng 9, lần đầu tiên giảm xuống dưới 12 nghìn tỷ USD kể từ tháng 3/2020, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Yoshimasa Maruyama tại SMBC Nikko Securities cho biết: “Điều này có thể phản ánh việc các quốc gia bán bớt dự trữ ngoại hối, chủ yếu là USD nhằm hỗ trợ đồng nội tệ”.
Dự trữ của Nhật Bản đã giảm 13% trong năm xuống còn 1,23 nghìn tỷ USD vào cuối năm 2022, mức giảm đầu tiên sau 6 năm và mức giảm mạnh nhất trong dữ liệu so sánh kể từ năm 2001, theo số liệu thống kê của Chính phủ nước này công bố hôm thứ Tư (11/1).
Khi đồng Yên suy yếu mạnh vào tháng 9 và tháng 10 năm 2022 và có thời điểm rơi xuống ngưỡng 151 JPY/USD, Tokyo đã bán tài sản bằng USD để mua vào Yên với mục đích ngăn chặn đà giảm của đồng nội tệ.
Trong tháng 9, Nhật Bản đã chi khoảng 20 tỷ USD để làm chậm đà trượt giá của đồng Yên trong lần can thiệp đầu tiên kể từ năm 1998. Số tiền can thiệp chiếm khoảng 19% lượng giảm dự trữ trong năm 2022.
Điều này có thể khiến quốc gia dễ bị tổn thương hơn trước tình trạng hỗn loạn kinh tế. Mặc dù hiện tại thị trường tiền tệ đã ổn định trở lại, nhưng rủi ro về một đợt tăng giá khác của đồng USD có thể khiến các quốc gia này phải can thiệp một lần nữa.
Theo số liệu của IMF, các nền kinh tế mới nổi như Sri Lanka đối mặt với tình trạng đặc biệt nghiêm trọng, khi dự trữ ngoại hối giảm hơn 40% từ cuối năm 2021 đến tháng 11/2022, do sự sụt giảm hoạt động du lịch.
Ngoài ra, các quốc gia châu Á nghèo tài nguyên cũng chứng kiến sự sụt giảm đáng kể, với dự trữ của Hàn Quốc giảm 10% trong bối cảnh nỗ lực chống đỡ đồng Won.
Xem thêm: Các ngân hàng trung ương nhắm đến Nhân dân tệ để đa dạng hóa dự trữ ngoại hối
Và xu hướng đã bắt đầu thay đổi ở một số quốc gia khi sự tăng giá của đồng USD đã giảm bớt trong vài tháng qua.
Ví dụ, dự trữ ngoại tệ của Thổ Nhĩ Kỳ đã giảm đáng kể khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan quyết tâm giữ chính sách tiền tệ lỏng lẻo đã khiến đồng Lira lao dốc. Tuy nhiên, sau khi sức ép giảm bớt, quốc gia này đã bổ sung ngoại hối và nâng dự trữ lên mức cao hơn vào cuối năm 2021. Nam Phi cũng đã, đang tăng nguồn dự trữ ngoại hối.
Tuy nhiên, dự trữ ở nhiều nơi trên thế giới vẫn ở mức thấp đáng lo ngại dựa trên đánh giá của IMF về chỉ số dự trữ đầy đủ (ARA).
Theo Viện nghiên cứu Dai-ichi Life của Nhật Bản, Thổ Nhĩ Kỳ hiện chỉ có 53% lượng dự trữ cần thiết theo biện pháp này - thấp hơn nhiều so với khuyến nghị của IMF là 100% đến 150%.
Trung Quốc, quốc gia có dự trữ ngoại hối lớn nhất thế giới, cũng chỉ có khoảng 60% dự trữ cần thiết theo ARA, sau khi lượng ngoại hối giảm 4% từ cuối năm 2021 đến tháng 11/2022.
Thị trường đang có những đồn đoán rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể bắt đầu cắt giảm lãi suất vào đầu năm nay, qua đó làm giảm sức ép tăng giá đối với đồng USD. Tuy nhiên, nếu lạm phát kéo dài hơn dự kiến, đồng bạc xanh có thể tăng trở lại.
Toru Nishihama tại Dai-ichi Life Research cho biết: "Điều tồi tệ nhất đã qua so với khi sức mạnh của đồng USD đạt đỉnh vào mùa thu năm ngoái, nhưng nếu đồng này tăng giá trở lại, các quốc gia sẽ cần hạn chế các biện pháp hỗ trợ đồng nội tệ”.
Xem thêm: Nhật Bản và Mỹ có thể phối hợp chính sách ngoại hối