Bộ Y tế yêu cầu, khi đề nghị cấp phép nhập khẩu, DN cần nói rõ mục đích mua, nhập khẩu là để tài trợ miễn phí cho Bộ Y tế hoặc tài trợ trực tiếp cho các địa phương để tiêm miễn phí cho người dân...
Bộ Y tế yêu cầu, khi đề nghị cấp phép nhập khẩu, DN cần nói rõ mục đích mua, nhập khẩu là để tài trợ miễn phí cho Bộ Y tế hoặc tài trợ trực tiếp cho các địa phương để tiêm miễn phí cho người dân...
Trong kế hoạch mua, sử dụng vaccine COVID-19 năm 2021-2022, Bộ Y tế đề xuất tiếp tục tiêm vaccine miễn phí cho người dân đến hết năm 2022
Bộ Y tế cho biết đang trình Chính phủ kế hoạch mua, sử dụng vaccine COVID-19 năm 2021-2022.
Theo Bộ Y tế, đến nay, cả nước đã phân bổ gần 130 triệu liều vaccine COVID-19. Trong đó, khu vực miền Nam được phân bổ nhiều nhất với gần 60 triệu liều; tiếp đến khu vực miền Bắc gần 50 triệu liều, khu vực miền Trung hơn 14,1 triệu liều và khu vực Tây Nguyên hơn 4,7 triệu liều.
Đến ngày 20-11, nước ta đã tiêm hơn 106,6 triệu liều vaccine, trong đó hơn 40 triệu liều tiêm mũi 2. Hiện tỉ lệ tiêm mũi 1 đạt khoảng gần 90%, tỉ lệ tiêm đủ 2 mũi trên 51% cho người từ 18 tuổi trở lên.
20 tỉnh, thành phố đang triển khai tiêm vaccine COVID-19 cho trẻ từ 12-17 tuổi trong đó đã tiêm được hơn 1,5 triệu liều vaccine. Tỉ lệ bao phủ ít nhất 1 liều vaccine ở nhóm tuổi này khoảng 17%.
Tuy nhiên, thời gian qua vẫn còn một số địa phương tiêm vaccine COVID-19 chậm, có tình trạng vaccine đã phân bổ vẫn tồn ở kho bảo quản vaccine khu vực, kho của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật. Một số tỉnh chưa cập nhật đầy đủ dữ liệu tiêm chủng, làm ảnh hưởng đến việc cập nhật tiến độ chung của toàn quốc.
Thậm chí, một số tỉnh tuy chưa đạt yêu cầu về tỉ lệ bao phủ tiêm chủng cho người từ 18 tuổi trở lên nhưng đã tiêm cho trẻ em. Việc tiêm chủng chậm sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ bao phủ vaccine của cả nước.
Từ nay đến cuối năm, lượng vaccine COVID-19 sẽ về nhiều. Do đó, Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng để đạt được tốc độ bao phủ mũi 1 cho 100% người dân từ 18 tuổi trở lên và tiêm mũi 2 cho những đối tượng đã tiêm mũi 1 đủ thời gian. Đồng thời, các địa phương phải báo cáo về Bộ Y tế dự trù nhu cầu vaccine trong thời gian còn lại của năm 2021 và năm 2022.
Lãnh đạo Bộ Y tế cũng khẳng định khi có vaccine là sẽ phân bổ ngay, nên các tỉnh, thành cần thực hiện nghiêm chủ trương "vaccine về đến đâu phải tiêm đến đó", bảo đảm phương châm "vaccine tốt nhất là vaccine sớm nhất".
Bộ Y tế cũng nhắc các địa phương khi nhận những nguồn viện trợ vaccine khác ngoài nguồn phân bổ của Bộ Y tế phải báo cáo về Bộ Y tế để có sự điều chỉnh trong phân bổ cho phù hợp.
Đặc biệt, trong kế hoạch mua, sử dụng vaccine COVID-19 năm 2021-2022, Bộ Y tế đề xuất tiếp tục tiêm vaccine miễn phí cho người dân đến hết năm 2022. Theo đó, Bộ Y tế đã đề nghị các địa phương xây dựng kế hoạch sử dụng vaccine năm 2022 cho trẻ từ 3 tuổi trở lên và người lớn, trong đó bao gồm việc tiêm nhắc lại mũi 3, mũi 4 cho người đã tiêm đủ liều (2 liều).
Đối với việc khuyến khích doanh nghiệp mua vaccine, Bộ Y tế yêu cầu, khi đề nghị cấp phép nhập khẩu, doanh nghiệp cần nói rõ mục đích mua, nhập khẩu là để tài trợ miễn phí cho Bộ Y tế hoặc tài trợ trực tiếp cho các địa phương. Trường hợp doanh nghiệp nhập khẩu vaccine để bán cho các doanh nghiệp khác thì các doanh nghiệp khác mua cũng phải sử dụng để tài trợ cho Bộ Y tế hoặc tài trợ trực tiếp cho các địa phương.
Đối với vaccine tài trợ cho Bộ Y tế, bộ sẽ phân bổ cho các địa phương. Còn đối với vaccine tài trợ trực tiếp cho các địa phương, UBND các tỉnh, thành phố giao Sở Y tế, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật cấp tỉnh tổ chức tiêm theo đúng hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế.