Chúng tôi xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 16/12, bao gồm: ANV, VNM, EIB
Chúng tôi xin tóm lược khuyến nghị của các công ty chứng khoán đối với một số mã cổ phiếu trong phiên giao dịch ngày 16/12, bao gồm: ANV, VNM, EIB
ANV - Lợi nhuận quý IV dự kiến tăng 137% từ mức nền so sánh thấp
CTCK SSI
Trong năm 2022, Chứng khoán SSI dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng của CTCP Nam Việt (HOSE: ANV) sẽ lần lượt đạt 5.000 tỷ đồng (tăng 42% so với cùng kỳ) và 694 tỷ đồng (tăng 439% so với cùng kỳ). Nhóm phân tích điều chỉnh giảm 20% dự báo kết quả kinh doanh năm 2022 do dự báo giá cá tra năm 2022 giảm 8%.
Năm 2023, SSI dự báo doanh thu thuần và lãi sau thuế lần lượt đạt 5.100 tỷ đồng (tăng 3% so với cùng kỳ) và 534 tỷ đồng (giảm 23% so với cùng kỳ).
Với mức giá 26.000 đồng/cổ phiếu, ANV hiện đang giao dịch với P/E năm 2022 và 2023 lần lượt là 4,8x và 6,2x. Nhóm phân tích tiếp tục khuyến nghị trung lập đối với cổ phiếu ANV.
Về mặt ngắn hạn, Chứng khoán SSI kỳ vọng việc nới lỏng các biện pháp hạn chế do COVID-19 của Trung Quốc sẽ có tác động tích cực đối với ANV. Thị trường Trung Quốc chiếm 9% doanh thu của ANV trong quý III năm 2022.
Trong quý IV/2022, các nhà phân tích dự báo doanh thu thuần và lợi nhuận ròng sẽ lần lượt đạt 1,2 nghìn tỷ đồng (tăng 15% so với cùng kỳ) và 127 tỷ đồng (tăng 137% so với cùng kỳ), do quý IV/2021 ghi nhận mức cơ sở so sánh thấp.
Khuyến nghị theo dõi dành cho cổ phiếu VNM
CTCK BIDV - BSC
Mặc dù nhu cầu nội địa trong quý III/2022 dần phục hồi sau nỗ lực tái cấu trúc kênh phân phối trong quý II/2022, giúp doanh thu CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, mã chứng khoán VNM – sàn HOSE) tăng 10% so với quý trước, tương đương cùng kỳ năm 2021, nhưng lợi nhuận sau thuế vẫn suy giảm 22%.
Nguyên nhân do biên lợi nhuận gộp giảm 3,4 điểm cơ bản do mức tăng giá đầu ra 5% chưa đủ bù đắp mức tăng giá nguyên vật liệu đầu vào ước tăng từ 20 - 25% và tác động của chi phí tài chính tăng 125%, tương đương 3,4% lợi nhuận sau thuế do chi phí sử dụng vốn tăng 72,6% và lỗ hoạt động tài chính tăng 6,43 lần so với cùng kỳ.
Luận điểm đầu tư dành cho VNM, đó là sức mạnh từ nội tại doanh nghiệp đầu ngành sữa (khoảng 60% thị phần) – sở hữu tổng đàn dẫn đầu cả nước giúp VNM đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và năng lực tài chính lành mạnh.
Bên cạnh đó, biên lợi nhuận gộp năm 2023 được hỗ trợ 2,9 điểm phần trăm so với cùng kỳ 2022 nhờ (1) Mức tăng giá bán từ 1 - 2% so với cùng kỳ và giá nguyên vật liệu có dấu hiệu hạ nhiệt về mức đầu năm 2021.
BSC kỳ vọng doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế của VNM năm 2022 lần lượt đạt 60.727 tỷ đồng (giảm 0,3% so với năm trước) và 8.836 tỷ đồng (giảm 16%), tương đương EPS là 3.765 đồng và PE FW là 20,6 lần.
Kỳ vọng năm 2023: doanh thu thuần và lợi nhuận trước thuế ước tính lần lượt đạt 61.883 tỷ đồng (tăng 1,9% so với năm trước) và 10.354 tỷ đồng (tăng 17,8%), tương đương EPS FW 2023 là 4.411 đồng, P/E FW là 17,6 lần. Động lực tăng trưởng lợi nhuận chủ yếu đến từ biên lợi nhuận gộp cải thiện từ 40,6% (2022E) lên 43,6% (2023F) nhờ mức nền tăng giá sữa từ quý II/2022 và kỳ vọng giá nguyên liệu suy giảm trong 2023.
BSC khuyến nghị theo dõi đối với cổ phiếu VNM với giá 87.000 đồng/CP, upside 12% so với giá ngày 14/12/2022 với phương pháp DCF và P/E, với tỷ trọng là 50% - 50%.
Xem thêm: Thị trường trái phiếu doanh nghiệp sẽ quay trở lại phát triển bền vững
Ưu tiên nắm giữ EIB
CTCK Yuanta Việt Nam - FSC
Chỉ số danh mục đầu tư của Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YS30) duy trì đà tăng và đóng cửa 83,46 điểm (0,7% so với phiên trước đó). Đồng thời, đồ thị giá tiến gần đường trung bình 50 phiên, nhưng đồ thị giá vẫn đang trong giai đoạn tích lũy ngắn hạn cho nên đồ thị giá khó có thể vượt hoàn toàn đường trung bình 50 phiên. Ngoài ra, xu hướng ngắn hạn của chỉ số YS30 vẫn duy trì ở mức tăng.
EIB là cổ phiếu tăng mạnh nhất trong danh mục YS30 trong phiên 14/12 và cổ phiếu này đã đạt mức lợi nhuận tạm tính theo hệ thống chỉ báo xu hướng ngắn hạn cho nên các nhà đầu tư nên ưu tiên nắm giữ và hạn chế mua thêm ở vùng giá này.
Xem thêm: Fed tuyên bố cuộc chiến lạm phát chưa kết thúc, sẽ có thêm nhiều đợt tăng lãi suất