Toàn thị trường ghi nhận 630 mã giảm giá, 181 mã tăng giá và 129 mã đóng cửa tại giá tham chiếu.
Toàn thị trường ghi nhận 630 mã giảm giá, 181 mã tăng giá và 129 mã đóng cửa tại giá tham chiếu.
Sáng 3/10, đa số cổ phiếu trên cả 3 sàn HoSE, HNX và Upcom đều giảm mạnh. Chỉ số VN-Index giảm gần 27 điểm về ngưỡng 1.105 điểm, thấp hơn 27% so với đỉnh ghi nhận hồi đầu tháng 4/2022.
Trong nhóm VN30, chỉ có một mã tăng giá nhẹ là Petrolimex và Sabeco đứng giá, còn lại đều giảm.
Nhiều cổ phiếu giảm mạnh như Masan, BIDV, Thế Giới Di Động, Vinhomes, Vincom Retail,...
Nhiều mã cổ phiếu trụ cột giảm sàn như: Ngân hàng BIDV (BID), Tập đoàn Hòa Phát (HPG), Bảo Việt (BVH), Vietinbank (CTG), Tập đoàn cao su Việt Nam (GVR), Nhà Khang Điền (KDH), Thế Giới Di Động (MWG), Điện lực Dầu khí (POW), Chứng khoán SSI (SSI), Sacombank (STB), Techcombank (TCB).
Nếu chia theo ngành, không nhóm nào thoát khỏi trạng thái điều chỉnh, trong đó nhóm chứng khoán vẫn giảm mạnh nhất, với SSI giảm 3,5%, VND giảm 3,4%, HCM và VIX cùng giảm 5,1%, VCI giảm 4,1%, ORS giảm 5,5%...
Ở nhóm cổ phiếu bất động sản, bên cạnh VHM, nhiều mã khác trong ngành cũng giảm mạnh như KBC giảm 3,4%, DIG giảm 4,9%, KDH giảm 3,9%, BCG giảm 4,1%, NLG giảm 4%, IJC giảm 5,7%, DXS giảm 5,2%...
Tại nhóm cổ phiếu thép, HPG giảm 3,3% xuống 20.500 đồng/cổ phiếu và là mã có thanh khoản tốt nhất ngành, đồng thời đứng thứ 2 trên thị trường, đạt 11,87 triệu đơn vị. Các mã khác như HSG giảm 5,4% xuống mức 14.000 đồng/cổ phiếu, NKG giảm 4,6% xuống 17.450 đồng/cổ phiếu…
Nhóm cổ phiếu vận tải và kho bãi có phiên giao dịch tương đối bớt tiêu cực khi so với toàn thị trường. Trong đó, nổi bật có thể kể tới các cổ phiếu dẫn đầu ngành như ACV, GMD đều đang nằm trong sắc xanh. Cổ phiếu TMS có mức tăng 2,44%, các cổ phiếu khác như STG, VTF đều kết phiên sáng trong trạng thái tăng điểm.
Thanh khoản trên thị trường “mất hút”. Trong cả phiên sáng, chỉ có 4.500 tỷ đồng giá trị cổ phiếu được chuyển nhượng trên cả 3 sàn, bằng khoảng 25-30% so với thời kỳ sôi động trong năm 2021 và đầu năm 2022.
Áp lực bán cổ phiếu tăng cao trong bối cảnh dòng tiền vào thị trường ngày cao eo hẹp, khi các nhà đầu tư cá nhân có dấu hiệu không còn mặn mà với thị trường chứng khoán (TTCK), các tổ chức trong nước thận trọng, còn các nhà đầu tư nước ngoài bán ròng theo những tín hiệu xấu trên thế giới.
Nhiều TTCK lớn trên thế giới không ngừng suy giảm. Chứng khoán Mỹ trong phiên cuối tháng 9 lập đáy mới trong năm 2022. Các thị trường tài chính toàn cầu tiếp tục biến động mạnh.
Tính tới 14h30, chỉ số VN-Index giảm hơn 49 điểm xuống 1.083 điểm.
Chốt phiên giao dịch 3/10, VN-Index giảm 45,67 điểm xuống 1.086,44 điểm. Đây là mức thấp nhất trong vòng 20 tháng qua.
Thanh khoản cả phiên đạt 12,8 nghìn tỷ đồng, trong đó có 11,4 nghìn tỷ đồng trên sàn HOSE.
Nhận định chứng khoán tuần này, các chuyên gia các công ty chứng khoán cho rằng những phiên giao dịch đầu tuần vẫn khá bấp bênh, khó lường, nhà đầu tư nên thận trọng.
Theo các chuyên gia đến từ Chứng khoán TVSI, phiên giao dịch cuối tuần đã tạo ra một chút kỳ vọng, bởi nhiều cổ phiếu có biên độ biến động mạnh theo hướng tăng điểm và kết phiên với mẫu hình đẹp.
VN-Index kết phiên ở 1,132.11 điểm, tăng 6,04 điểm và VN30 đóng cửa ở 1,152.01 điểm, tăng 4,57 điểm. Thanh khoản cải thiện trở lại và thanh khoản khớp lệnh sàn HoSE đạt mức gần 14.000 tỷ đồng. Mức độ lan tỏa của thị trường vẫn ở mức tiêu cực nhưng đã cải thiện so với phiên trước mặc dù số mã tăng điểm chỉ chiếm 36%, số mã đi ngang chiếm 14% và số mã giảm điểm chiếm 50%. Điều này thường tạo ra mức hỗ trợ tạm thời tại vùng giá thấp nhất phiên hôm nay bởi người bán sẽ cân nhắc kỹ hơn khi định bán về mức này trong tuần tới.
"Dưới góc độ kỹ thuật phiên hồi phục cuối tuần cũng chưa đủ điều kiện để đánh giá về khả năng tạo đáy của thị trường nên các phiên giao dịch đầu tuần tới vẫn khá bấp bênh và khó lường", báo cáo của TVSI nêu.