Các mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ ba liên tiếp khi giới đầu tư đánh giá cao hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ và xem xét bỏ qua những lo ngại trước đây về lạm phát cao cũng như rủi ro suy thoái.
Các mã cổ phiếu trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng phiên thứ ba liên tiếp khi giới đầu tư đánh giá cao hoạt động kinh doanh của các công ty công nghệ và xem xét bỏ qua những lo ngại trước đây về lạm phát cao cũng như rủi ro suy thoái.
Tất cả các chỉ số chính đều tăng trong tuần qua và là tháng giao dịch tốt nhất trong năm 2022. Chỉ số Dow Jones tăng 315,50 điểm, tương đương gần 1%, lên 32.845,13. S&P 500 tăng 1,4% lên 4.130,29 và Nasdaq Composite tăng khoảng 1,9% vào cuối ngày, ở mức 12.390,69.
Trong tuần, chỉ số Dow tăng gần 3%, trong khi S&P 500 và Nasdaq Composite lần lượt tăng khoảng 4,3% và 4,7%.
Tính toàn bộ tháng 7, Dow Jones đi lên 6,7% và S&P tăng 9,1%. Nasdaq Composite, dù vẫn nằm trong thị trường con gấu nhưng cũng đã ghi nhận mức tăng khoảng 12,4%. Đây là mức tăng hàng tháng tích cực nhất cho cả ba chỉ số trên kể từ đầu năm 2022.
Diễn biến tích cực trên trái ngược hoàn toàn với 6 tháng đầu năm khi cổ phiếu lao dốc xuống thị trường gấu. Thị trường chỉ đảo chiều khi lo ngại của các nhà đầu tư về tốc độ tăng lãi suất Fed giảm bớt và niềm tin vững chắc về việc lạm phát đã tạo đỉnh.
Ross Mayfield, nhà phân tích chiến lược đầu tư tại Baird, cho biết: “Bắt đầu với một tâm lý chán nản, nhà đầu tư về sau đã thay đổi góc nhìn về lạm phát cũng như kỳ vọng lạm phát. Do đó, họ cũng có những dự đoán khác về kế hoạch tăng lãi suất của Fed. Ngoài ra, kết quả kinh doanh tươi sáng cũng là một nhân tố tích cực”.
Thế nhưng, một số nhà đầu tư vẫn lo ngại mức độ lạm phát khi cuộc xung đột giữa Nga - Ukraine vẫn đang tiếp diễn, điều này có thế dẫn tới khả năng giảm điểm của thị trường.
Xem thêm: Bất chấp GDP giảm, chứng khoán Mỹ nối dài đà tăng
Hôm qua (ngày 29/7), Cục Phân tích kinh tế Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức cao kỷ lục kể từ tháng 1/1982.
Cũng trong ngày hôm qua, Đại học Michigan đưa ra thông báo về bản cập nhật cuối cùng của Chỉ số tâm lý người tiêu dùng tháng 7 ở mức 51,5 điểm, cải thiện nhẹ so với số liệu sơ bộ thông báo trước đó và tăng so với mức đáy lịch sử là 50 điểm trong tháng 6.
Đặc biệt, mức tăng của hai trong số nhóm cổ phiếu có giá trị vốn hóa lớn nhất thị trường đã thúc đẩy đà đi lên của các chỉ số trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 7.
Cổ phiếu Amazon đã tăng gần 10,4% sau khi gã khổng lồ thương mại điện tử báo cáo doanh số bán hàng cao hơn dự kiến, trong khi Apple tăng 3,2% sau khi công bố doanh thu iPhone tốt hơn mong đợi.
Chevron và Exxon Mobil, hai “ông lớn” dầu khí, cũng công bố kết quả tốt hơn dự đoán, đưa cổ phiếu của họ lần lượt tăng 8,9% và 4,6%.
Tuy nhiên, trái ngược với sức tăng mạnh mẽ trên, cổ phiếu của Roku trượt dốc khoảng 23,1% sau khi công ty này “phớt lờ” những cảnh báo về vấn đề tăng trưởng chậm của ngành quảng cáo.
Tương tự, hãng sản xuất chip Intel giảm gần 8,6% sau khi kết quả kinh doanh hàng quý không như mong đợi .
Ngoài ra, theo FactSet, hơn một nửa số doanh nghiệp thuộc S&P 500 đã tiến hành báo cáo lợi nhuận, trong đó có 72% công ty ghi nhận hoạt động kinh doanh vượt qua kỳ vọng.
Xem thêm: Chốt phiên tuần 25 - 29/7, chứng khoán châu Á diễn biến trái chiều