Trong đêm 2/12, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn và gửi văn bản đến bàn của Tổng thống Joe Biden. Ngay sau khi ông Biden đặt bút ký, chính phủ Mỹ sẽ lại một lần nữa tránh được nguy cơ đóng cửa ngay trước hạn chót.
Trong đêm 2/12, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn và gửi văn bản đến bàn của Tổng thống Joe Biden. Ngay sau khi ông Biden đặt bút ký, chính phủ Mỹ sẽ lại một lần nữa tránh được nguy cơ đóng cửa ngay trước hạn chót.
Theo CNBC, ngay trong đêm 2/12, Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật ngân sách ngắn hạn sau khi các nhà lãnh đạo lưỡng đảng thuyết phục thành công một số thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa có ý định phản đối dự luật.
Nếu thành công, luật sẽ giữ cho chính phủ hoạt động đến hết ngày 18/2. Nếu quá trình bỏ phiếu bất thành, chính phủ Mỹ sẽ phải tạm ngừng hoạt động, dẫn đến một số nhân viên liên bang phải tạm nghỉ việc và một số dịch vụ của chính phủ phải tạm dừng.
Trước đó, Hạ viện Mỹ đã thông qua dự luật với 221 phiếu thuận - 212 phiếu chống. Chỉ duy nhất Hạ nghị sĩ Đảng Cộng hòa Adam Kinzinger tham gia cùng Đảng Dân chủ.
Tổng thống Joe Biden dự kiến sẽ ký thông qua dự luật trong ngày 3/12, ngay trước khi hạn chót của đạo luật ngân sách cũ hết hiệu lực. Theo dự luật mới, chính phủ Mỹ có thể hoạt động bình thường đến hết ngày 18/2 năm sau.
Giờ đây, các nhà lập pháp sẽ phải tìm cách tháo gỡ khúc mắc xoay quanh vấn đề tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên của các công ty tư nhân để trích lập ngân sách cả năm trước ngày 18/2/2022.
Trước đó, theo Reuters, một nhóm nghị sĩ Cộng hòa ở Thượng viện Mỹ, gồm có ông Mike Lee, Roger Marshall, Ron Johnson và Ted Cruz, đã yêu cầu chặn ngân sách thực hiện yêu cầu bắt buộc tiêm chủng đối với nhân viên liên bang và lĩnh vực tư.
Thất bại trong việc thông qua dự luật trên đồng nghĩa với việc hàng trăm ngàn nhân viên liên bang có thể bị mất việc.
Đảng Dân chủ nắm giữ 50 trong tổng số 100 ghế tại Thượng viện, với lá phiếu quyết định nằm trong tay Phó tổng thống Kamala Harris.
Bà Harris có thể sử dụng tới đặc quyền "phá vỡ bế tắc" trong một cuộc bỏ phiếu tại Thượng viện. Quyền này được quy định rõ ràng trong Hiến pháp Mỹ, trong đó Phó Tổng thống giữ vai trò là Chủ tịch Thượng viện, song chỉ được bỏ phiếu khi số phiếu thuận và phiếu chống ngang bằng nhau.
Cũng trong ngày 2/12, lãnh đạo phe thiểu số Thượng viện Mitch McConnell cũng nhắc lại rằng sẽ không có chuyện chính phủ đóng cửa.