Châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng dù hệ thống đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 từ Nga đến Đức đã được mở trở lại.
Châu Âu đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng năng lượng dù hệ thống đường ống Dòng chảy Phương Bắc 1 từ Nga đến Đức đã được mở trở lại.
Mặc dù hệ thống đường ống khí đốt quan trọng bắt đầu được mở lại ngày hôm qua (21/7) sau 10 ngày đóng lại vì lý do bảo trì, Châu Âu vẫn phải chật vật tìm cách giữ ấm cho các ngôi nhà của mình cũng như cung cấp năng lượng cho nền công nghiệp của họ trong mùa đông này.
Đó là bởi vì Nga đã cắt giảm số lượng khí đốt cung cấp cho Châu Âu – nguồn năng lượng phục vụ cho các nhà máy của Châu Âu cũng như để sản xuất ra điện và nhiệt cho các gia đình Châu Âu trong mùa đông. Tồi tệ hơn, Tổng thống Vladimir Putin còn cảnh báo lượng khí đốt được cung cấp này sẽ còn tiếp tục giảm xuống.
Nguồn cung cấp khí đốt qua hệ thống đường ống Dòng chảy phương Bắc 1 đã bị cắt giảm 60% trước khi công tác bảo trì hàng năm được tiến hành và sắp tới lượng cung cấp này được cho là sẽ tiếp tục ở mức dưới công suất của hệ thống đường ống. Các quan chức chính phủ ở Châu Âu trước đó còn lo ngại hệ thống đường ống khí đốt sẽ không được mở lại bởi vì Tổng thống Putin muốn sử dụng năng lượng làm đòn bẩy chính trị trong cuộc đối đầu với Liên minh Châu Âu (EU) vì cuộc chiến ở Ukraine.
Tại sao nguồn khí đốt của Nga lại quan trọng với Châu Âu như vậy?
Trước chiến tranh, Nga cung cấp đến 40% tổng nhu cầu khí đốt tự nhiên cho Châu Âu. Con số này đã giảm xuống khoảng 15%, khiến giá năng lượng leo thang chóng mặt lên các mức kỷ lục và làm cho nhiều ngành công nghiệp phụ thuộc vào năng lượng rơi vào cơn ác mộng.
Khí đốt được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành mà hầu hết mọi người không biết – để luyện thép trong sản xuất xe hơi, để làm các chai thủy tinh và tiệt trùng sữa cũng như pho mai.
Các công ty cảnh báo họ không thể thay đổi “trong một đêm” sang các nguồn năng lượng khác như dầu mỏ hoặc điện để tạo ra nhiệt. Trong một số trường hợp, các thiết bị giữ kim loại hoặc thủy tinh nóng chảy bị phá hủy nếu nguồn nhiệt bị tắt.
Giá năng lượng tăng cao cũng có nguy cơ gây ra một cuộc suy thoái khắp Châu Âu thông qua tỉ lệ lạm phát kỷ lục và người dân tiêu dùng ít đi vì giá lượng thực, năng lượng và các mặt hàng tiện ích khác tăng cao. Việc Nga cắt đứt hoàn toàn nguồn khí đốt cho Châu Âu có thể giáng một đòn nặng nề hơn nữa vào một nền kinh tế vốn đang gặp nhiều khó khăn của lục địa này.
Châu Âu có thể làm gì?
EU hiện tại đã bắt đầu chuyển sang dùng khí thiên nhiên hóa lỏng được vận chuyển đến bằng tàu thuyền từ những nơi như Mỹ và Qatar. Nguồn năng lượng này đắt hơn khí đốt tự nhiên được cung cấp từ Nga. Đức đang đẩy nhanh tiến trình xây dựng các cảng nhập khẩu khí thiên nhiên hóa lỏng (LNG) trên bờ Biển Bắc nhưng tiến trình này sẽ mất nhiều năm. Cảng đầu tiên trong 4 cảng nổi mà Đức đang xây dựng có thể được đưa vào vận hành trong cuối năm nay.
Tuy nhiên, chỉ mình LNG sẽ không thể bù đắp đủ vào chỗ thiếu hụt năng lượng mà Châu Âu đang đối mặt. Các cơ sở xuất khẩu LNG của thế giới đang hoạt động ở mức tối đa công suất trong bối cảnh thị trường năng lượng hết sức căng thẳng hiện nay. Một vụ nổ vừa xảy ra ở cảng LNG của Mỹ ở Freeport, Texas. Đây là nơi cung cấp khoảng 2,5% nhu cầu khí đốt cho Châu Âu.
Tiết kiệm và chuyển sang các nguồn năng lượng khác là chìa khóa để giải quyết cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay ở Châu Âu. Ví dụ như Đức đang cho vận hành các nhà máy than lâu hơn, tạo ra hệ thống đấu giá khí đốt để khuyến khích tiết kiệm năng lượng và lắp đặt lại bộ điều nhiệt trong các tòa nhà công cộng.
EU mới đây đã đề xuất các nước thành viên tình nguyện cắt giảm 15% lượng khí đốt sử dụng trong những tháng sắp tới. Ủy ban Châu Âu đang tìm cách áp đặt những quy định cắt giảm bắt buộc trên khắp liên minh đề phòng nguy cơ thiếu hụt năng lượng nghiêm trọng hoặc nhu cầu tăng cao bất thường.
Các nước thành viên EU sẽ thảo luận các biện pháp tại một cuộc họp khẩn về năng lượng vào đầu tuần tới.
Các nước Châu Âu cũng đang cấp tập tìm kiếm những nguồn năng lượng thay thế. Lãnh đạo các nước Italia, Pháp và Liên minh Châu Âu tuần này đã ký một loạt thỏa thuận về năng lượng với một số đối tác như Algeria, Azerbaijan và Các Tiểu vương quốc Ả-rập thống nhất.