ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị quy định rõ các tiêu chí "thật cần thiết" trong việc thu hồi đất, đồng thời đề nghị rà soát kỹ các trường hợp được phép thu hồi đất để tránh tình trạng lạm dụng, thu hồi đất tràn lan...
ĐBQH tỉnh Nam Định đề nghị quy định rõ các tiêu chí "thật cần thiết" trong việc thu hồi đất, đồng thời đề nghị rà soát kỹ các trường hợp được phép thu hồi đất để tránh tình trạng lạm dụng, thu hồi đất tràn lan...
Góp ý cho Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), ĐBQH Mai Thị Phương Hoa (Nam Định) quan tâm đến quy định về việc Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh và mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng (tại Điều 85 và 86 của dự thảo luật.)
ĐB Mai Thị Phương Hoa phân tích: Các điều kiện để thu hồi đất, theo quy định tại Điều 54 của Hiến pháp năm 2013 quy định: Nhà nước được quyền thu hồi đất nhưng phải bảo đảm đầy đủ 3 điều kiện đó là: thứ nhất là thuộc trường hợp thật cần thiết; thứ hai, do luật định; thứ ba, vì mục đích quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia công cộng.
“Như vậy, có thể hiểu là cho dù Nhà nước có thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng đi chăng nữa thì vẫn cần phải có yếu tố “thật cần thiết” và phải được quy định trong luật. Tuy nhiên, Luật Đất đai hiện hành không có quy định thế nào là trường hợp thật cần thiết.” – ĐB Mai Thị Phương Hoa phân tích.
ĐB Phương Hoa, thời gian qua, khi các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền lập dự án thu hồi đất đã tự quy định và thuyết minh về sự ”cần thiết” cho từng dự án. Như vậy, sẽ tạo ra sự không thống nhất, dễ thực hiện theo ý muốn chủ quan của mình và có trường hợp dễ tạo ra sự lạm dụng để thu hồi đất tràn lan. Hệ quả là thời gian vừa qua, nhiều dự án sau khi được Nhà nước thu hồi và phê duyệt thì 10 năm sau vẫn chưa triển khai hoặc triển khai dở dang hoặc có dự án sau một thời gian triển khai thì thực hiện chuyển mục đích sử dụng đất, không giữ được mục đích sử dụng đất ban đầu khi lập dự án.
“Như vậy, yếu tố “thật cần thiết” đã không được quan tâm và không thực hiện đúng ở những dự án này.” – ĐB Mai Thị Phương Hoa nhấn mạnh.
Để tránh những trường hợp tùy tiện, không thống nhất và dễ bị lạm dụng, ĐB cho rằng, cần quy định ngay trong Luật Đất đai (sửa đổi) lần này những tiêu chí cụ thể để xác định thế nào là thật cần thiết và theo đúng yêu cầu của Điều 54 Hiến pháp năm 2013. Nếu Luật Đất đai (sửa đổi) lần này mà không làm được việc này thì coi như chưa thực hiện đúng quy định của Hiến pháp.
Lo thu hồi đất tràn lan
Về các trường hợp thu hồi đất vì mục đích phát triển kinh tế - xã hội, vì lợi ích quốc gia công cộng, ĐB Hoa cho biết, ngoài những trường hợp được giữ nguyên như luật hiện hành thì dự thảo Luật Đất đai lần này đã bổ sung thêm nhiều trường hợp.
Nhóm thứ nhất là những trường hợp bổ sung mới hoàn toàn. Đó là những dự án công trình công cộng, không nhằm mục đích kinh doanh hoặc dự án cải tạo quỹ đất do nhà nước đầu tư theo hướng tuyến giao thông và các điểm kết nối giao thông theo quy hoạch, hoặc là nhà ở tập trung cho công nhân làm việc trong khu công nghiệp, hoặc dự án nhà ở thương mại sử dụng các loại đất không phải là đất ở, dự án lấn biển.
Nhóm thứ hai là những trường hợp có quy định nhưng mở rộng phạm vi hơn hoặc quy định điều kiện lỏng lẻo hơn và chung chung hơn, đó là những dự án khai thác khoáng sản. Trong khi đó Luật năm 2013 chỉ quy định đối với những dự án khai thác khoáng sản được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép, trừ những trường hợp khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn và dự án khai thác khoáng sản phân tán nhỏ lẻ, khai thác tận thu; dự án xây dựng công trình phục vụ sinh hoạt chung của cộng đồng dân cư, trong khi đó luật 2013 quy định là khu văn hóa thể thao, vui chơi, giải trí, phục vụ công cộng.
Với những quy định như trên, ĐB Mai Thị Phương Hoa đề nghị cần rà soát và đánh giá lại những trường hợp thu hồi đất theo quy định tại Điều 62 luật hiện hành xem còn phù hợp hay không. Những trường hợp mới bổ sung thì cần đánh giá tác động kỹ và tránh tình trạng quy định quá nhiều trường hợp thu hồi dẫn đến tình trạng tràn lan, lạm dụng, ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân và tiềm ẩn nguy cơ tăng khiếu kiện về đất đai.