Cũng theo Bộ Công Thương, sau 3 năm thực hiện CPTPP và hơn 1 năm thực hiện EVFTA đã có những tác động rất tích cực đến hoạt động xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, nhất là từ những thị trường mà Việt Nam chưa từng ký FTA. Đơn cử, nhờ CPTPP, xuất khẩu hàng hóa sang Canada, Mexico và Peru đều có mức tăng trưởng từ 25-30%/năm.
Với EU, theo Bộ Công Thương, sau một năm rưỡi thực thi, EVFTA đã đem lại những kết quả tích cực, nhất là trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại cả châu Âu và Việt Nam.
Riêng năm 2021 thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đạt 63,6 tỉ đô la, tăng trưởng 14,8% so với năm 2020. Cụ thể, tổng giá trị hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang EU đạt 45,8 tỉ đô la, tăng 14,2%; còn EU xuất khẩu sang Việt Nam đạt 17,9 tỉ đô la, tăng 16,5% so với năm 2020.
Đáng chú ý, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU sử dụng giấy chứng nhận xuất xứ (C/O mẫu EUR.1) đạt khoảng 7,8 tỉ đô la, cho thấy nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng cơ hội từ việc cắt giảm thuế quan của EU theo EVFTA.
Năm 2021, chuỗi cung ứng hàng hoá xuất khẩu trong nước cũng như trên thế giới tiếp tục gián đoạn do chịu tác động của dịch Covid-19. Tuy nhiên, với các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu nông, thủy sản trong năm 2021 đã đạt được những kết quả tích cực.
Tổng hợp từ số liệu của Tổng cục Hải quan, năm 2021 kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, thủy sản đạt 28,04 tỷ USD, tăng 12% và chiếm 8,3% trong tổng kim ngạch xuất khẩu. Nhìn chung, tăng trưởng xuất khẩu nhóm nông, thuỷ sản khá tích cực với 8/9 mặt hàng ghi nhận sự tăng trưởng trong năm 2021.
Trong đó: thủy sản đạt 8,88 tỷ USD, tăng 5,65% so với cùng kỳ; rau quả đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6%; hạt điều đạt 580 nghìn tấn, kim ngạch đạt 3,64 tỷ USD, tăng 12,6% về lượng và 13,3% về kim ngạch; cao su đạt 1,96 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,28 tỷ USD, tăng 11,7% về lượng và 37,5% về kim ngạch; cà phê đạt 1,56 triệu tấn, kim ngạch đạt 3,07 tỷ USD, giảm 0,2% về lượng, tăng 12,1% về kim ngạch; sắn và sản phẩm từ sắn đạt 2,88 triệu tấn, kim ngạch đạt 1,18 tỷ USD, tăng 2,4% về lượng và 16,5% về kim ngạch; hạt tiêu đạt 261 nghìn tấn, kim ngạch đạt 938 triệu USD, giảm 8,5% về lượng nhưng tăng 42% về kim ngạch. Chè là mặt hàng duy nhất sụt giảm đạt 127 nghìn tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt 214 triệu USD, giảm 1,8% về trị giá và giảm 6% về lượng so với năm 2020.
Cũng theo Bộ Công Thương, điểm tích cực là giá xuất khẩu hầu hết các mặt hàng nông, thủy sản đã tăng mạnh trong năm 2021 góp phần vào tăng trưởng xuất khẩu ngành như giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu tăng 55,2%; cao su tăng 23%; sắn và sản phẩm từ sắn tăng 13,8%; cà phê tăng 12,3%; gạo tăng 5,5%; chè tăng 4,6%.
Năm 2021, xuất khẩu nông, thuỷ sản tăng trưởng khả quan ở hầu hết các khu vực thị trường, cụ thể: Thị trường xuất khẩu trọng điểm đứng đầu vẫn là khu vực thị trường châu Á với tổng kim ngạch đạt 15,4 tỷ USD, tăng 9,7% so với cùng kỳ. Trong đó, thị trường Trung Quốc đạt 7,55 tỷ USD, tăng 10,1%; ASEAN đạt 2,89 tỷ USD, tăng 5,0%; Nhật Bản đạt 1,80 tỷ USD, giảm 0,5% và Hàn Quốc đạt 1,19 tỷ USD, tăng 10,5%. - Tiếp đến thị trường châu Mỹ với kim ngạch đạt 4,67 tỷ USD, tăng 20,7% so với năm 2020. Thị trường tiêu thụ lớn nhất tại khu vực châu Mỹ là Hoa Kỳ cũng đạt 3,92 tỷ USD, tăng 20,7% so với cùng kỳ.
Xuất khẩu nông, thuỷ sản sang các nước khu vực châu Âu đạt 4,4 tỷ USD, tăng 11,5% so với năm trước. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang thị trường EU 3,2 tỷ USD, tăng 11,1%. Thị trường châu Phi đạt 936 triệu USD, tăng 21,0% so với năm 2020. Thị trường châu Đại Dương kim ngạch 557 triệu USD, tăng 11,7% so với năm 2020.
Năm 2021, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, xuất khẩu rau quả của Việt Nam vẫn đạt được kết quả tích cực. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, xuất khẩu rau quả của Việt Nam trong năm 2021 đạt 3,55 tỷ USD, tăng 8,6% so với năm 2020. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam sang hầu hết các thị trường chính đều tăng trưởng khả quan so với cùng kỳ năm trước, nhất là ở các thị trường khó tính như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Hồng Kông, Australia, EU và một số nước châu Âu.
Theo Bộ Công Thương, năm 2022 được dự báo có những thời cơ, thuận lợi và thách thức đan xen. Và xuất khẩu dự báo tiếp tục phục hồi khi các nước dần kiểm soát được đại dịch Covid-19. Xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các FTA sẽ tiếp tục được tăng cường khi các doanh nghiệp đã dần thích nghi với các cam kết của hiệp định cùng thuế nhập khẩu ưu đãi của các đối tác sẽ tiếp tục được xóa bỏ hoặc cắt giảm. Bên cạnh đó, nhiều nước triển khai các gói kích thích kinh tế, kích cầu tiêu dùng, qua đó gia tăng nhu cầu hàng nhập khẩu.
Các chuyên gia kinh tế cũng dự báo thị trường xuất khẩu trong năm 2022 sẽ tiếp tục mở rộng ở nhiều quốc gia, đặc biệt là với một số thị trường lớn đến từ các quốc gia cùng tham gia các FTAs. Trong đó, các ngành sản xuất như dệt may, giày dép, gỗ, linh kiện điện tử…. cũng đưa ra kế hoạch tăng trưởng hơn 10% so với năm 2021.