Các gói cứu trợ trị giá hàng tỷ USD của Chính phủ Trung Quốc cũng không thể tạo nên làn sóng kích cầu nhu cầu trên thị trường nhà ở tại quốc gia này.
Các gói cứu trợ trị giá hàng tỷ USD của Chính phủ Trung Quốc cũng không thể tạo nên làn sóng kích cầu nhu cầu trên thị trường nhà ở tại quốc gia này.
Trong khi nhiều nhà kinh tế nói rằng, tình trạng suy thoái nhà ở tồi tệ của Trung Quốc sẽ không trở nên tồi tệ hơn và các gói kích thích sẽ phát huy tác dụng trong năm nay hoặc năm sau, nhưng thực tế đối với những người bán nhà như cô Echo lại ảm đạm hơn rất nhiều.
Echo - một chủ nhà ở Thượng Hải - cho biết, suốt 6 tháng qua, cô chỉ nhận được bốn lời mặc cả từ những người mua tiềm năng. Bên cạnh đó, cô cũng đang cân nhắc cắt giảm 10% so với mức giá bán ban đầu là 3,3 triệu Nhân dân tệ (tương đương 460.000 USD).
“Mọi người đều chờ đợi giá nhà giảm mạnh trước khi họ quyết định mua, và điều này sẽ tạo ra vòng luẩn quẩn tai hại”, Echo cho hay.
Thực tế, giá và doanh số bán nhà vẫn trong trạng thái ì ạch khi lúc nền kinh tế sa sút do các hạn chế chống dịch bệnh Covid-19. Ngay cả thời điểm “Tuần lễ vàng”, vốn là khoảng thời gian vàng cho bất động sản, nhưng doanh số thị trường này đã ghi nhận mức lao dốc lên tới gần 40%.
Khi Chủ tịch Tập Cận Bình và các quan chức khác tập trung tại Đại hội Đảng Cộng sản Trung Quốc lần thứ 20 vào cuối tuần này, thị trường nhà đất sẽ là một trong những vấn đề được chú ý nhất.
Bất động sản chiếm khoảng 1/4 GDP và gần 40% tài sản của các hộ gia đình Trung Quốc. Việc “xả khí” cho bong bóng lớn cỡ này mà không gây ra khủng hoảng tài chính là thách thức khó khăn đối với bất kỳ chính phủ nào. Các nỗ lực của Nhật Bản từ năm 1989 và Mỹ giai đoạn 2007-2008 đã kết thúc trong thảm họa.
Đáng chú ý, tình trạng hỗn loạn trên thị trường bất động sản có nguy cơ lan sang các lĩnh vực khác của nền kinh tế và gây ra hậu quả lớn.
Xem thêm: Sản lượng xi măng toàn cầu đi xuống do bất động sản Trung Quốc lao đao
Hàng triệu người đang chứng kiến tài sản lớn nhất của gia đình họ mất giá nhanh chóng trong các đợt phong tỏa Covid-19, làm suy kiệt niềm tin của người tiêu dùng. Hệ quả là các khoản tiền tiết kiệm gửi vào ngân hàng đang gia tăng với tốc độ kỷ lục và nhu cầu đi vay đang ở mức thấp nhất kể từ trước cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008.
Trong tuần đầu của tháng 9, doanh số bán nhà tại các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến đã có sự khởi sắc nhẹ. Nhưng quy mô thị trường của 100 nhà phát triển bất động sản lớn nhất Trung Quốc trong tháng trước vẫn thấp hơn 25% so với cùng kỳ năm trước.
Gần đây, Chính phủ Trung Quốc đã cho phép khoảng 20 thành phố giảm lãi cho vay thế chấp. Các nhà quản lý tài chính chỉ đạo các ngân hàng quốc doanh lớn tài trợ ít nhất 600 tỷ nhân dân tệ cho ngành bất động sản, dưới các hình thức như mua trái phiếu hoặc cấp khoản vay cho doanh nghiệp.
Một số nhà kinh tế cho rằng, các động thái chính sách trên và việc dỡ bỏ dần hạn chế Covid-19 có thể giúp thị trường tạo đáy trong năm nay và bình ổn trong năm 2023. Rất ít người dự đoán thị trường sẽ phục hồi mạnh mẽ.
Những người lạc quan lập luận rằng tầng lớp trung lưu đang gia tăng tại Trung Quốc sẽ thúc đẩy chi tiêu. Trung Quốc vượt qua Nhật Bản để trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới vào năm 2010, được thúc đẩy bởi quá trình đô thị hóa lớn nhất trong lịch sử.
Nhưng Bloomberg Economics nói rằng xu hướng trên đang chậm lại. Có tới 65% dân số Trung Quốc hiện đang sống ở thành thị. Ông Chang Shu, nhà kinh tế trưởng cấp cao tại Bloomberg Economics ước tính rằng, nguồn cung nhà phải giảm 25% thì mới cân bằng được với nhu cầu cơ bản vào năm 2031.
Trung Quốc đang dư thừa nguồn cung nhà ở sau khi các công ty phát triển bất động sản như Evergrande mạnh tay vay nợ trong thập kỷ trước để xây thêm các căn hộ. Bloomberg Economics ước tính Trung Quốc có khoảng 2,8 tỷ m2 bất động sản đang để trống - gấp 47 lần diện tích Manhattan.
Trong một diễn biến khác, không một nhà kinh tế nào tham gia cuộc khảo sát của Bloomberg dự kiến Trung Quốc sẽ sớm rơi vào suy thoái. Ước tính trung bình cho tăng trưởng GDP Trung Quốc năm 2023 là 5,1%, cao hơn năm 2022 là 3,4%.
Nhưng các nhà kinh tế thuộc Morgan Stanley cũng đã vẽ ra kịch bản xấu nếu Bắc Kinh chần chừ không hành động. Trong trường hợp này, tăng trưởng việc làm của Trung Quốc trong 6 tháng đầu năm 2023 sẽ chỉ đạt 1% và nền kinh tế sẽ có thêm 11 triệu người thất nghiệp.
Xem thêm: Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc huy động gói cứu trợ gần 150 tỷ USD cho các dự án bất động sản