Theo Bộ Xây dựng, việc điều chỉnh quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và theo các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị...
Theo Bộ Xây dựng, việc điều chỉnh quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và theo các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị...
Bộ Xây dựng nhận được kiến nghị của cử tri thành phố Hà Nội do Ban Dân nguyện chuyển đến theo công văn số 685/BDN với nội dung kiến nghị: "Đề nghị sớm có rà soát điều chỉnh quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 496/QĐ-TTg ngày 08/4/2014; xem xét đưa ra khỏi quy hoạch đối với Dự án nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng giai đoạn II; cần có quy định kèm theo cơ chế chính sách động viên, khuyến khích nhân dân thay đổi thói quen táng người quá cố, tăng cường hỏa táng, đảm bảo tiết kiệm nguồn tài nguyên đất đai”.
Về vấn đề này, theo Bộ Xây dựng, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch nghĩa trang Thủ đô Hà Nội thuộc thẩm quyền, nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và theo các quy định pháp luật về quy hoạch đô thị, Bộ Xây dựng là cơ quan chuyên môn thẩm định đồ án quy hoạch theo phân cấp (theo quy định tại Khoản 1 Điều 41 Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH 12 thì Bộ Xây dựng thẩm định nhiệm vụ và đồ án quy hoạch đô thị thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ).
Đối với nội dung “Cần có quy định kèm theo cơ chế chính sách động viên, khuyến khích nhân dân thay đổi thói quen táng người quá cố, tăng cường hỏa táng, đảm bảo tiết kiệm nguồn tài nguyên đất đai”:
Ngày 26/11/2013, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2282/QĐ-TTg phê duyệt Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng, trong đó giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nghiên cứu, ban hành các cơ chế, chính sách cụ thể nhằm khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường tuyên truyền, vận động nhằm thúc đẩy hoạt động hỏa táng tại các khu vực dân cư trên địa bàn; lập và tổ chức thực hiện dự án thí điểm đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng phù hợp với nhu cầu và điều kiện của địa phương.
Trên cơ sở đó, một số địa phương đã quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng và ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ sử dụng hình thức hỏa táng như: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Đà Nẵng, Thái Nguyên, Hưng Yên, Bắc Ninh, Thanh Hóa, Bình Định…
Tuy nhiên, tỷ lệ hỏa táng tại các địa phương còn thấp (trừ một số đô thị lớn như Hà Nội khoảng 63,2%; TP Hồ Chí Minh khoảng 70%, Hải Phòng khoảng 29%) do một số địa phương chưa quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng, hoặc gặp khó khăn trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng trong quá trình đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng do người dân không đồng tình.
Vì vậy để nâng cao tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng tại các địa phương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cần tổ chức đầu tư xây dựng cơ sở hỏa táng và ban hành các cơ chế chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân sử dụng hình thức táng mới văn minh, hiện đại, tiết kiệm đất đai và giảm thiểu các tục lệ lạc hậu (bốc mộ, cải táng); tăng cường tuyên truyền, vận động người dân đồng thuận và sử dụng hình thức hỏa táng.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ rà soát, tổng kết đánh giá việc thực hiện “Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng” để tham mưu, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phù hợp hơn trong giai đoạn tới nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng hình thức hỏa táng.