Ngày 28/12, liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị liên quan, đại diện Cục Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an khẳng định, không có vùng cấm trong việc điều tra, xử lý vụ án.
Ngày 28/12, liên quan đến vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á và các đơn vị liên quan, đại diện Cục Cảnh sát điều tra (C03), Bộ Công an khẳng định, không có vùng cấm trong việc điều tra, xử lý vụ án.
Về vụ án xảy ra tại Công ty Việt Á, đại diện Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu (C03, Bộ Công an) cho biết hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố vụ án, khởi tố 7 bị can, trong đó có Phan Quốc Việt (Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty Việt Á) và Phạm Duy Tuyến (Giám đốc CDC Hải Dương).
“Nhiệm vụ của cơ quan điều tra là phải điều tra triệt để mọi góc cạnh liên quan đến vụ án, làm rõ đến đâu thông tin đến đó” - đại diện C03 cho biết.
Đại diện C03 khẳng định, cơ quan điều tra đang tiếp tục điều tra làm rõ, và khẳng định không có vùng cấm. Hiện cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty Cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hải Dương (CDC Hải Dương) và các đơn vị, địa phương liên quan.
Trước câu hỏi của báo chí về việc cơ quan điều tra có làm rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và công nghệ, Bộ Y tế khi đề án dùng tiền nhà nước nghiên cứu nhưng để cho Việt Á kinh doanh từ đó nâng giá gây thiệt hại tài sản nhà nước?
Ông Nguyễn Văn Thành, cục phó C03, cho biết vụ án này xảy ra tại Công ty Việt Á, ngày 17/12 cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng. Đến nay C03 đã khởi tố 7 bị can có sai phạm về tội danh này.
"Sau khi khởi tố các bị can, cơ quan điều tra công bố các thông tin cần thiết. Mọi khía cạnh của vụ án sẽ được làm rõ và xử lý nghiêm", ông Thành thông tin.
Theo ông Thành, căn cứ tài liệu điều tra ban đầu, lời khai của các bị can cho thấy kit xét nghiệm của Việt Á được công ty này trực tiếp và gián tiếp bán tại 62 địa phương. Có thể một số địa phương tự mua cũng có thể do các đơn vị mua tài trợ cho địa phương.
Trong vụ án này, theo kết quả điều tra bước đầu của Công an, Phan Quốc Việt và các đối tượng là lãnh đạo chủ chốt Công ty Việt Á khai nhận: Quá trình kinh doanh và tiêu thụ bộ sinh phẩm nghiệm SARS-CoV-2 do Công ty Việt Á sản xuất, lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu của các địa phương trên cả nước, sản phẩm thuộc danh mục được áp dụng hình thức Chỉ định thầu rút gọn nên Phan Quốc Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng.
Sau đó, Việt thông đồng với lãnh đạo các đơn vị này hợp thức hồ sơ Chỉ định thầu bằng cách Công ty Việt Á sử dụng các pháp nhân trong hệ thống (Công ty liên danh, Công ty con) lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống các báo giá... để hoàn thiện hồ sơ, ký hợp đồng, thanh quyết toán cho Công ty Việt Á theo giá do Công ty này đưa ra, cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất. Đồng thời, để được giao cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ với số lượng lớn, tăng doanh thu lợi nhuận và được tạo điều kiện trong việc hoàn thiện hồ sơ, thanh quyết toán theo giá do Công ty Việt Á đề nghị, Phan Quốc Việt còn thỏa thuận, thống nhất, chi cho cán bộ, lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền rất lớn.
Để thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Phan Quốc Việt và các đối tượng của Công ty Việt Á đã nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào đưa vào thuyết minh cơ cấu giá xác định giá bán là 470.000 đồng/bộ sinh phẩm xét nghiệm; thỏa thuận và chi tiền % hợp đồng cho lãnh đạo bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phổ trong quá trình cung cấp sản phẩm.
Đến nay, bước đầu Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán các bộ sinh phẩm xét nghiệm cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng, Phan Quốc Việt đã chi tiền % ngoài hợp đồng cho Phạm Duy Tuyến, Giám đốc CDC Hải Dương gần 30 tỷ đồng.