Tại phiên khai mạc HĐND TP Hà Nội sáng 22/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần phải khẩn trương triển khai.
Tại phiên khai mạc HĐND TP Hà Nội sáng 22/9, Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần phải khẩn trương triển khai.
Sáng 22/9, Kỳ họp thứ hai Hội đồng nhân dân (HĐND) TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đã khai mạc dưới hình thức kết hợp trực tiếp và trực tuyến để đảm bảo an toàn phòng dịch COVID-19.
Kỳ họp này, HĐND Thành phố có nhiệm vụ đánh giá kết quả phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng, thu, chi ngân sách của 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021; xem xét, quyết nghị một số nội dung quan trọng thuộc thẩm quyền của HĐND Thành phố.
Tại kỳ họp, ông Đinh Tiến Dũng, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhận định, đến nay, Thành phố đã hoàn thành ba nhiệm vụ quan trọng, vừa phòng, chống dịch hiệu quả, tổ chức thành công cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa 15 và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026; vừa tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; duy trì được chuỗi liên kết sản xuất trong bối cảnh dịch bệnh, với một số kết quả khả quan.
Để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2021, tạo tiền đề cho những năm tiếp theo, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế xã hội trong nước và quốc tế còn rất nhiều khó khăn, thách thức, diễn biến dịch bệnh COVID-19 còn phức tạp, khó lường… Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị các đại biểu cần phát huy trí tuệ, tinh thần trách nhiệm cao trước cử tri thành phố để tập trung, thảo luận vào 5 nhiệm vụ trọng tâm.
Cùng với Nghị quyết về Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 của thành phố và Kế hoạch đầu tư công 5 năm 2021-2025 của thành phố, Bí thư Thành ủy đặc biệt lưu ý Nghị quyết về Đề án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn thành phố Hà Nội; Chủ trương triển khai Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.
“Đây là những nội dung lớn, là cơ sở, tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, phát triển đô thị cũng như đời sống nhân dân trên địa bàn Thủ đô”, Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định: Công tác cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ xuống cấp trên địa bàn thành phố là nhiệm vụ lớn, khó khăn, phức tạp và liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân. Trong nhiều năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND TP đã xác định đây là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách cần phải khẩn trương triển khai nhằm đảm bảo sự an toàn, tính mạng, tài sản và nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
Do đó, Bí thư Thành uỷ Hà Nội đề nghị các đại biểu cần tập trung thảo luận về định hướng, giải pháp, kế hoạch, tiến độ thực hiện cụ thể việc kiểm định cũng như việc đầu tư xây dựng đối với từng khu chung cư để đảm bảo tính khả thi của Đề án, đồng thời cần đặc biệt quan tâm thảo luận, đề xuất các giải pháp nhằm giải quyết, tháo gỡ vướng mắc về quy hoạch; các chính sách về giải phóng mặt bằng, bố trí nhà tạm cư (hoặc nhà ở tạm thời) và bồi thường, hỗ trợ tái định cư nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân.
Bên cạnh đó, Bí thư Thành ủy cũng nhấn mạnh, việc sớm đầu tư Tuyến đường Vành đai 4 –Vùng Thủ đô được xác định là một trong các nhiệm vụ trọng tâm cần ưu tiên tập trung lãnh đạo, chỉ đạo trong Chương trình hành động của Đảng bộ thành phố thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội 17 của Đảng bộ Thành phố.
Tuyến đường vành đai 4 khi hoàn thành không chỉ góp phần giảm ùn tắc giao thông, mở rộng không gian phát triển cho thành phố, kéo giãn mật độ dân cư tại khu vực nội đô, phát triển kinh tế đô thị và nông thôn, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế khu vực hai bên tuyến đường mà còn tăng cường khả năng kết nối, tạo động lực, tác động lan tỏa liên vùng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô, Vùng Đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.
Bí thư Thành ủy cũng yêu cầu các cấp ngành cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, cho nhân dân thực hiện các thủ tục hành chính, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.
Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khắc phục sự chồng chéo, tháo gỡ các nút thắt, điểm nghẽn, thúc đẩy cải cách, đổi mới, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nguồn lực đầu tư cho phát triển...
Báo báo kết quả thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, thu chi ngân sách 8 tháng đầu năm và nhiệm vụ trọng tâm những tháng cuối năm 2021 của Thành phố cho biết, GRDP 6 tháng đầu năm 2021 của TP đạt mức tăng trưởng 5,91%, cao hơn mức tăng chung của cả nước (5,64%).
Kết quả đạt được chủ yếu từ các ngành công nghiệp tăng 6,3%, năng lượng điện tăng 7,1% và khai khoáng tăng 5,5%. Sản xuất công nghiệp và nông nghiệp vẫn duy trì được hoạt động ổn định và tiếp tục tăng trưởng, đóng góp vào kết quả chung của tăng trưởng kinh tế Thành phố những tháng đầu năm.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 8 tháng đầu năm 2021 ước đạt 65,4% dự toán năm mà HĐND Thành phố quyết nghị và bằng 69,8% dự toán Trung ương giao và bằng 110,3% so với cùng kỳ.
Thành phố đã thực hiện điều hành ngân sách tiết kiệm, hiệu quả, đảm bảo cân đối ngân sách; chỉ đạo kịp thời các sở, ban, ngành, đoàn thể thuộc Thành phố và UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện rà soát, cắt giảm và tiết kiệm theo Nghị quyết số 581 của Chính phủ là 1.167,7 tỷ đồng để bổ sung nguồn phòng, chống dịch Covid-19;
Đồng thời, tiếp tục thực hiện rà soát, cắt giảm chi thường xuyên năm 2021, thu hồi các khoản chi ngân sách thường xuyên chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai để tập trung nguồn lực cho công tác phòng, chống dịch.
Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 nên mức độ đạt được thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2019 và thấp hơn kịch bản cơ sở (7,5%) đưa ra đầu năm. Tiêu thụ nội địa sản phẩm nông nghiệp gặp khó khăn do sức mua thấp; giá đầu vào (thức ăn chăn nuôi) tăng ảnh hưởng đến tâm lý mở rộng sản xuất và tái đàn;
Các khoản thu về nhà, đất đạt thấ, trong đó thu đấu giá đất đạt 15,8% kế hoạch; thu tiền sử dụng đất đạt 40,4%; thu tiền thuê đất đạt 42,2%;
Tiến độ giải quyết cấp đất dịch vụ tiến triển chậm; chủ yếu do vướng mắc về cơ chế, chính sách;
Giải ngân xây dựng cơ bản đạt thấp so với cùng kỳ, chủ yếu do giãn cách xã hội để phòng chống dịch COVID-19 và giá sắt, thép và nguyên vật liệu phục vụ ngành xây dựng tăng cao...