Đồng Yên Nhật hiện đang ở gần mức thấp nhất so với đồng USD trong 25 năm qua. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda vẫn kiên quyết từ chối tăng lãi suất.
Đồng Yên Nhật hiện đang ở gần mức thấp nhất so với đồng USD trong 25 năm qua. Tuy nhiên, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Haruhiko Kuroda vẫn kiên quyết từ chối tăng lãi suất.
Ông Kuroda cho biết trong một cuộc họp báo: “Bất kỳ mức tăng lãi suất nhỏ nào cũng không thể ngăn được sự mất giá của đồng Yên. Nếu chúng ta muốn ngăn chặn đà giảm của đồng Yên chỉ bằng lãi suất, thì đó phải là một mức tăng lớn. Và hiển nhiên điều này có khả năng gây thiệt hại nghiêm trọng cho nền kinh tế”.
BoJ giữ nguyên lãi suất bất chấp nhiều ý kiến cho rằng, lạm phát có thể tăng cao hơn ngưỡng mục tiêu 2% trong năm nay.
Sự tương phản giữa Nhật Bản với các quốc gia khác trên thế giới ngày càng trở nên rõ nét khi Fed báo hiệu về một khả năng tăng lãi suất 0,75% và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng đã nâng lãi suất lần đầu tiên trong hơn 10 năm trở lại đây.
Đáng chú ý, lạm phát và đồng Yên mất giá sẽ luôn đi đôi với nhau bởi Nhật Bản phải chi trả lượng lớn nhu yếu phẩm cũng như năng lượng nhập khẩu từ nước ngoài bằng đồng USD.
Tuần trước, 1 USD đã đổi được hơn 139 Yên, mức thấp nhất kể từ 1998.
Xem thêm: Đồng yên Nhật lần đầu tiên sụt giảm mạnh so với đồng USD kể từ 2002
Bên cạnh đó, BoJ dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cơ bản, không bao gồm mặt hàng thực phẩm, sẽ lên đến 2,3% trong năm tài khóa kết thúc vào tháng 3/2023.
Dù con số này vẫn thấp hơn nhiều so với Mỹ, quốc gia có tỷ lệ lạm phát 9,1% trong tháng 6, nhưng vẫn vượt quá mục tiêu 2% của BoJ mà cơ quan này đặt ra từ 2003.
Các nhà kinh tế của BNP Paribas ước tính nếu đồng USD tăng trên 140 Yên vào mùa hè này, lạm phát Nhật Bản sẽ đạt 3% trong quý cuối cùng của năm nay. Thêm nữa, BoJ có thể điều chỉnh chính sách nếu lạm phát đạt mức 3,5%.
Ông Kuroda cho biết lạm phát tăng gần đây chủ yếu là do chi phí năng lượng nhảy vọt. Báo cáo chính thức của BOJ dự đoán chỉ số giá tiêu dùng loại trừ thực phẩm và năng lượng của Nhật Bản sẽ chỉ tăng 1,3% trong năm tài chính 2022.
Ngoài ra, nếu Nhật Bản muốn nâng đồng Yên mà không thay đổi lãi suất, Chính phủ nước này có thể can thiệp vào thị trường ngoại hối.
Nhưng các nhà phân tích cho rằng điều đó sẽ khó khăn nếu không có sự hỗ trợ từ Washington. Trong khi đó, Nhà Trắng đã đưa ra quan điểm rõ ràng về việc, đồng USD mạnh sẽ giúp hàng nhập khẩu Mỹ rẻ hơn, qua đó chống lạm phát, vốn đang là mục tiêu hàng đầu của Mỹ.
Trong chuyến thăm tới Tokyo vào tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cho biết, các thị trường nhìn chung nên xác định tỷ giá hối đoái và sự can thiệp của Chính phủ “chỉ nên xảy ra trong những trường hợp hiếm hoi và ngoại lệ”.
Takahiro Sekido, chiến lược gia của Ngân hàng MUFG và cựu quan chức BoJ cho hay: “Ngay cả khi đồng Yên giảm xuống dưới 140/USD, khả năng phối hợp can thiệp trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là gần như không có”
Bên cạnh đó, ông Sekido cho biết các nhà sản xuất ô tô Mỹ, vốn thường chỉ trích đồng Yên yếu, giờ đây ít lên tiếng hơn vì đồng USD mạnh làm giảm chi phí của các bộ phận nhập khẩu. Ông cho biết thêm, đồng USD có thể tăng trên 150 Yên, đánh dấu lần đầu tiên kể từ năm 1990.
Ở chiều ngược lại, những người ủng hộ đồng Yên rẻ cho rằng, cần phải cẩn trọng trước nguy cơ nền kinh tế Mỹ suy thoái khiến đồng USD giảm sâu.
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nhận định, tại Anh và Hàn Quốc, lãi suất được nâng nhẹ nhưng giá đồng tiền vẫn giảm đáng kể. Do đó, muốn nâng giá đồng tiền thì cần điều chỉnh rất mạnh lãi suất, yếu tố vốn sẽ gây ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Xem thêm: Ngân hàng Trung ương Nhật Bản tiếp tục với chính sách lãi suất siêu thấp