Viễn cảnh bất động sản Việt Nam trong 2021

Thứ sáu, 15/01/2021 | 18:51 Theo dõi CFĐT trên
bat-dong-san-Viet-Nam
Trong 2021, dự báo bất động sản Việt Nam ổn định và bền vững hơn 2020

Phó tổng thư ký Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, ông Nguyễn Văn Đính nhận định, nhờ tốc độ tăng trưởng kinh tế tốt, nên thị trường sẽ phát triển ổn định hơn 2020, khó có nguy cơ khủng hoảng, giá nhà đất có thể tăng hơn 10% dẫn đến nhu cầu mua và đầu tư tăng trở lại.

Về phân khúc nhà ở bình dân, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho biết, các doanh nghiệp bất động sản đang có xu thế chuyển hướng đầu tư tại các thị trường ven đô tại Hà Nội, TP. HCM và nhiều khu vực trung tâm giàu tiềm năng như Quảng Ninh, Hải Dương, Khánh Hòa, Bình Định, Kon Tum,...

Trong khi đó, Tiến sĩ Sử Ngọc Khương, Giám đốc Savills Việt Nam chỉ ra, với việc các dự án nhà ở mới vẫn ra mắt trong 2020, nhiều khả năng nhà đầu tư sẽ dịch chuyển dòng tiền sang kênh an toàn, trong đó có loại bất động sản này.

Với khách sạn cao cấp, trung tâm thương mại, ông Khương khuyên nhà đầu tư chưa vội bán do những khó khăn về đại dịch chỉ là nhất thời. Điểm tích cực hơn là thị trường không có nhiều sản phẩm này. Bất chấp biên độ lợi nhuận chỉ ở mức 6-7%/năm, nhưng khi nắm giữ lâu sẽ thu được lợi nhuận lớn.

Nói về hạn chế, vị Tiến sĩ khuyên nhà đầu tư bất động sản Việt Nam phải nhìn tới những vướng mắc về pháp lý, đặc biệt ở những đô thị lớn. Đối với các tài sản tạo ra dòng tiền, phải chú ý tới chi phí tài chính, tỷ suất sinh lời hàng năm trong 6-7 năm gần nhất và chỉ số vốn chuyển nhượng.

Với phân khúc bất động sản công nghiệp, nguồn lực chính vẫn là các nhà đầu tư trong nước. Ông Khương đánh giá, Chính phủ hay các nhà đầu tư cần cấu trúc lại sản phẩm, dây chuyền khép kín, và chuỗi cung ứng để hoàn thiện mình. Khi thị trường phục hồi, nhà đầu tư nên giữ tâm thế sẵn sàng để đón đầu các nguồn lực như quỹ đất, hạ tầng công nghiệp,...

Trong 2021, nhiều dự án mớ sẽ vẫn được đưa ra thị trường, nhu cầu nhà ở của người dân vẫn là thiết yếu. Do vậy, thị trường nhà ở vẫn là điểm sáng, thu hút quan tâm của các nhà đầu tư, khách hàng.

Với bất động sản văn phòng, căn hộ dịch vụ, khách sạn sẽ khó hơn. Doanh nghiệp cần phòng vệ trước các kịch bản xấu, tập trung tái cơ cấu, tái cấu trúc để ổn định chi phí, lợi nhuận, ông Khương cho biết.

Để tạo tiền để và sức bật cho bất động sản Việt Nam bứt phá trong 2021, Tiến sĩ Khương nhận định cần những đổi thay cụ thể về mặt chính sách hay cơ sở hạ tầng, giao thông; tác động từ chính sách tài khóa, tiền tệ. Các chỉ số như tỷ giá hối đoái cũng được ông nhấn mạnh vì sẽ tác động tới khối ngành sản xuất, dịch vụ, kinh doanh.

Với nhóm đầu tư cá nhân, ông Khương nêu kỳ vọng 1-2 năm tới nếu có lời thì nên hạn chế sử dụng đòn bẩy tài chính, luôn lưu ý tới thủ tục pháp lý của bất động sản nhà ở.

Sau cùng, việc chọn lựa dự án có thể đạt được các mục tiêu mà cá nhân đưa ra, cần phải dựa trên nhiều yếu tố liên quan như tính thanh khoản, giá trị gia tăng hay quản trị rủi ro.

Huy Hoàng
Cafe Khởi nghiệp