Việt Nam chưa ghi nhận hiện tượng đông máu sau 4 ngày tiêm vắc-xin Covid-19

Thứ sáu, 12/03/2021 | 16:11 Theo dõi CFĐT trên

Sau 4 ngày tiêm chủng, nước ta chưa ghi nhận về hiện tượng đông máu sau tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca. Do vậy, việc tiêm vắc-xin Covid-19 của hãng này vẫn thực hiện theo kế hoạch và tiếp tục theo dõi chặt các phản ứng sau tiêm.

Việt Nam chưa ghi nhận hiện tượng đông máu sau 4 ngày tiêm vắc-xin Covid-19 (Ảnh: Báo Chính phủ)
Việt Nam chưa ghi nhận hiện tượng đông máu sau 4 ngày tiêm vắc-xin Covid-19 (Ảnh: Báo Chính phủ)

Sau 4 ngày tiêm vắc-xin Covid-19 chưa ghi nhận hiện tượng đông máu

Dẫn lời Báo Sức Khỏe & Đời sống, GS Đặng Đức Anh, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Trưởng Ban điều hành Dự án Tiêm chủng mở rộng cho biết, sau 4 ngày tiêm chủng, nước ta chưa ghi nhận về hiện tượng đông máu sau tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca.

Theo đó, nước ta bắt đầu triển khai tiêm kế hoạch tiêm vắc-xin Covid-19 của AstraZeneca từ ngày 8/3, đến nay đã tiêm được cho 1.585 người tại 13 cơ sở của 9 địa phương, gồm: TP. HCM, TP. Hà Nội, tỉnh Hải Dương, tỉnh Bắc Ninh, TP. Hải Phòng, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Gia Lai và tỉnh Long An.

Trong đó, đến thời điểm này mới ghi nhận 6 trường hợp phản ứng phản vệ mức độ 2, các trường hợp này hiện đều đã được xử lý kịp thời và sức khoẻ cũng đều đã ổn định, còn lại hầu hết các trường hợp khác đều có phản ứng nhẹ sau tiêm như đau tại vị trí tiêm, sốt nhẹ và mệt mỏi...

Một ngày sau tiêm chủng, các cán bộ, nhân viên y tế của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP. HCM và tỉnh Hải Dương, những người ưu tiên thực hiện những mũi tiêm vắc-xin Covid-19 đầu tiên cho biết, tất cả đều không bị các biểu hiện sức khoẻ không bình thường và thấy vững tâm trong công tác phòng chống dịch bệnh.

Để triển khai chiến dịch tiêm chủng lớn nhất đến nay của nước ta, Bộ Y tế đã và đang triển khai hàng loạt các biện pháp để đảm bảo kế hoạch tiêm chủng vắc-xin.

Mới đây nhất, ngày 6/3, Bộ Y tế đã tổ chức tập huấn trực tuyến để triển khai tiêm chủng vắc-xin Covid-19 và xử trí sốc phản vệ cho nhân viên y tế các địa phương trên cả nước và nhân viên hệ thống tiêm chủng VNVC.

Tại hội nghị tập huấn, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng lưu ý, phản ứng sau tiêm vắc-xin Covid-19 là có thể, bởi không vắc-xin nào đảm bảo 100% an toàn; có thể xảy ra phản ứng thông thường cho tới phản ứng bất lợi.

Một điểm quan trọng được Bộ trưởng nhấn mạnh tại hội nghị, đây là loại vắc-xin Covid-19 lần đầu sử dụng theo nguyên tắc bảo đảm an toàn tối đa nhất cho người dân. Vì vậy, Bộ Y tế trong thời gian qua đã tích cực trong việc trao đổi, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn để tổ chức điểm tiêm chủng, buổi tiêm chủng và chiến dịch tiêm chủng một cách an toàn nhất. Do đó, Bộ trưởng cũng đã yêu cầu tất cả cơ sở y tế tập huấn và tiếp tục nghiên cứu sao cho đảm bảo việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 thật an toàn.

Bộ trưởng cũng cho biết, điểm khác với quốc tế trong tiêm vắc-xin Covid-19 ở nước ta là Việt Nam sẽ thực hiện khám sàng lọc trước khi tiêm vắc-xin COVID-19 để đảm bảo an toàn tiêm chủng dù mất nhiều thời gian hơn.

Do yêu cầu của công tác phòng, chống dịch Covid-19, trong quá trình triển khai tiêm chủng lần này, ngoài đảm bảo an toàn tiêm chủng vắc-xin, các địa phương phải tuân thủ nghiêm các quy chuẩn kỹ thuật phòng lây nhiễm virus SARS-COV-2.

Hướng tới mục tiêu bảo đảm an toàn cho người được tiêm vắc-xin Covid-19 là ưu tiên cao nhất, Bộ Y tế sẽ tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát cùng với các địa phương về việc thực hiện nguyên tắc “4 tại chỗ”, bảo đảm sẵn sàng các phương tiện phòng chống sốc và xử trí kịp thời, yêu cầu các địa phương thực hiện nghiêm túc đúng đối tượng ưu tiên theo Nghị quyết 21/NQ-CP của Chính phủ, đảm bảo công bằng trong tiếp cận vắc-xin Covid-19.

Các tuyến thực hiện việc giám sát hỗ trợ chuyên môn kỹ thuật và rút kinh nghiệm cụ thể, từ đó chia sẻ cho các cán bộ y tế tại các tuyến để triển khai cho việc tiêm chủng an toàn và đạt tỷ lệ cao.

Cũng Theo PGS. TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, đây là vắc-xin rất mới, các thông tin về tai biến hay biến cố bất lợi sau tiêm chủng cũng chưa được WHO cung cấp đầy đủ.

Cũng như tất cả các vắc-xin khác, vắc-xin Covid-19 khi đưa vào cơ thể cũng có thể xảy ra phản ứng nghiêm trọng như phản ứng sốc (trong vòng 30 phút sau tiêm hoặc phản ứng quá mẫn muộn trong 1-2 ngày đầu sau tiêm vắc-xin). Do vậy, để bảo đảm cho đợt tiêm chủng này, ngoài các quy định đảm an toàn về tiêm chủng thì đối tượng tiêm sẽ được khám sàng lọc cẩn thận trước khi tiêm.

Tại các điểm tiêm chủng phải bố trí để đảm bảo giãn cách và bố trí hộp chống sốc, thường xuyên có cán bộ y tế theo dõi sát sức khỏe của các đối tượng được tiêm chủng. Đồng thời, sắp xếp không quá 100 đối tượng mỗi điểm tiêm chủng vào mỗi buổi tiêm chủng.

Người được tiêm vắc xin phải thực hiện nghiêm việc theo dõi 30 phút tại điểm tiêm chủng, trong 24h tiếp tục theo dõi tại nhà. Đối với trường hợp cấp cứu thực hiện theo đúng hướng dẫn và theo dõi tiếp 24h tại cơ sở y tế.

Theo kế hoạch tiêm chủng vắc-xin Covid-19, Bộ Y tế cho phép bất kỳ cán bộ tiêm chủng và y tá có thể thực hiện tiêm Adrenaline ngay khi phát hiện người tiêm bị sốc phản vệ.

Theo kế hoạch, từ nay đến cuối năm, Việt Nam sẽ nhận được 60 triệu liều vắc-xin AstraZeneca, trong đó có 30 triệu liều từ chương trình COVAX, còn 30 triệu liều do Việt Nam đặt mua. Ngay trong tháng 3-4 này, nước ta sẽ nhận được 4,1 triệu liều vắc-xin Covid-19.

AstraZeneca là một trong 3 vắc-xin phòng Covid-19 được WHO phê duyệt tiêm chủng diện rộng trong tình huống khẩn cấp. Vắc-xin Covid-19 này  hiện đã được 50 quốc gia trên thế giới sử dụng.

Cập nhật tình hình Covid-19 hôm nay

Sáng hôm nay, nước ta ghi nhận thêm 2 ca mắc mới Covid-19 tại tỉnh Hải Dương.

Ca bệnh BN2534 (BN2534) được ghi nhận tại TP. Hải Dương là F1 của BN2528, đã được cách ly tập trung từ hôm 8/3 vừa qua. Hiện bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2.

Ca bệnh BN2535 (BN2535) được ghi nhận tại TP. Chí Linh là công nhân Công ty Poyun, đã được cách ly tập trung từ hôm 28/1 vừa qua, đến ngày 16/2 ghi nhận BN2299 ở cùng phòng cách ly. Ngày 27/2 bệnh nhân này có triệu chứng ho, đau rát họng và được lấy mẫu cho kết quả xét nghiệm nghi ngờ dương tính với virus SARS-CoV-2; tiếp tục lấy mẫu các ngày 1/3 và ngày 5/3 để xét nghiệm lại. Ngày 6/3 bệnh nhân dương tính với virus SARS-COV-2. Hiện bệnh nhân đang được cách ly và điều trị tại Bệnh viện Dã chiến số 3 - Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương cơ sở 2.

Tổng số ca nhiễm Covid-19 trên cả nước là 2.535 người, trong đó có 2.048 người đã được chữa khỏi bệnh.

Tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được cách ly là 44.540 người. Trong đó, có 497 người cách ly tập trung tại bệnh viện. Có 15.065 người đang cách ly tập trung tại cơ sở khác và 28.978 người đang cách ly tại nhà hoặc nơi lưu trú.

Hiền Hồ
Cafe Khởi nghiệp