Hôm nay, 30 cán bộ y tế tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 1. Việc thiết lập quy trình tiêm vắc-xin Covid-19 tại khu vực dành riêng cho tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đảm bảo theo nhiều nguyên tắc.
Hôm nay, 30 cán bộ y tế tại Bệnh viện Thanh Nhàn đã tổ chức tiêm vắc-xin Covid-19 đợt 1. Việc thiết lập quy trình tiêm vắc-xin Covid-19 tại khu vực dành riêng cho tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đảm bảo theo nhiều nguyên tắc.
Dẫn lời Báo điện tử Gia đình và xã hội, PGS.TS Đào Quang Minh, Giám đốc Bệnh viện Thanh Nhàn cho biết, đơn vị đã lập danh sách những người được tiêm là 30 nhân viên y tế tham gia trực tiếp công tác phòng, chống dịch Covid-19.
Bước thứ hai, thiết lập quy trình tiêm vắc-xin Covid-19 tại khu vực dành riêng cho tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đảm bảo theo 9 nguyên tắc sau:
Khâu tiếp đón đo thân nhiệt, huyết áp -> Bố trí khu vực chờ tiêm đảm bảo giãn cách -> Thực hiện khám sàng lọc, khai thác tiền sử dị ứng -> Nếu đủ điều kiện tiêm, chuyển sang thực hiện tiêm -> Sau khi tiêm được theo dõi và xử lý các phản ứng sau tiêm với đầy đủ trang thiết bị cấp cứu, hộp chống sốc, hệ thống oxy trung tâm, máy thở…
Cũng theo PGS.TS Đào Quang Minh, để đảm bảo việc tiêm chủng vắc-xin Covid-19 được an toàn, BV đã tập hợp nhân viên y tế có chứng chỉ tiêm chủng và tập huấn về tiêm vắc-xin Covid-19. Đơn vị trang bị đầy đủ đồ bảo hộ đảm bảo công tác tiêm chủng vắc-xin Covid-19 diễn ra đúng quy định và an toàn.
Bà Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho hay, nguyên tắc tiêm vắc-xin Covid-19 được triển khai ưu tiên những đối tượng có nguy cơ và vùng có nguy cơ theo căn cứ Nghị quyết 21 của Chính phủ về việc mua và sử dụng vắc-xin phòng Covid-19. Căn cứ vào tình hình dịch bệnh Covid-19 tại các quận, huyện ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 trên địa bàn TP. Hà Nội.
Cũng theo bà Hà, những đối tượng ưu tiên tiêm đợt 1 trên địa bàn thành phố gồm các lực lượng chủ chốt ở tuyến đầu tham gia phòng, chống dịch bệnh Covid-19, trực tiếp tiếp xúc với nguồn bệnh như nhân viên y tế đã và đang điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 hoặc nghi ngờ với dịch Covid-19; các cán bộ trực tiếp làm xét nghiệm và trực tiếp tiêm chủng vắc-xin Covid-19; các thành viên tổ tuần tra dịch tễ nhân viên của các cơ sở tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 các cấp và tổ Covid-19 cộng đồng.
Về các nhóm đối tượng, cụ thể đó là những người làm việc trong các cơ sở y tế bao gồm những trực tiếp tiếp xúc với người bệnh hoặc mẫu bệnh phẩm của người bệnh mắc Covid-19 hoặc nghi mắc với Covid-19.
Thứ hai, các đơn vị y tế dự phòng như CDC Hà Nội, Trung tâm y tế các quận, huyện, thị xã, trạm y tế các xã, phường, thị trấn và Ban chỉ đạo ngành y tế. Thứ ba, các đơn vị cấp cứu, vận chuyển người nghi mắc Covid-19.
Nhóm thứ hai là người tham gia phòng, chống dịch Covid-19, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 thành phố tại các quận, huyện, thị xã, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 tại 30 quận, huyện, thị xã, thành viên ban chỉ đạo tại xã, phường và thị trấn.
Vaccine chống Covid-19 của AstraZeneca được đồng phát minh bởi Đại học Oxford và công ty sản xuất hỗ trợ Vaccitech. Vaccine sử dụng vectơ virus mất khả năng sao chép được tạo ra từ chủng virus gây cúm thông thường ở tinh tinh đã được làm suy yếu (adenovirus), chứa vật chất di truyền của protein gai trên bề mặt virus SARS-CoV-2. Sau khi tiêm vaccine, protein gai bề mặt được sản xuất, kích hoạt hệ thống miễn dịch tấn công virus SARS-CoV-2 nếu cơ thể bị nhiễm virus sau đó.
Quyết định phê duyệt của Việt Nam dựa trên phân tích 23.745 đối tượng từ 18 tuổi trở lên, với 232 trường hợp nhiễm Covid-19 có triệu chứng từ các thử nghiệm lâm sàng pha III của Vương quốc Anh và Brazil do Đại học Oxford thực hiện.
Dữ liệu an toàn được công bố đến nay từ hơn 20.000 người tham gia trong bốn thử nghiệm lâm sàng ở Anh, Brazil và Nam Phi. Công bố trên Tạp chí The Lancet khẳng định rằng Covid-19 vaccine AstraZeneca được dung nạp tốt và không có biến cố bất lợi nghiêm trọng nào được xác nhận liên quan đến vaccine. Đối tượng tham gia nghiên cứu đa dạng về vùng địa lý và chủng tộc, khỏe mạnh hoặc có tình trạng bệnh lý nền ổn định.
Bên cạnh chương trình do Đại học Oxford thực hiện, một nghiên cứu cũng đang được AstraZeneca tiến hành tại Hoa Kỳ, thuộc chương trình toàn cầu của công ty. Tổng cộng, đại học Oxford và AstraZeneca dự kiến sẽ có sự tham gia của hơn 60 nghìn người trên toàn thế giới.
Vaccine Covid-19 của AstraZeneca đã được cấp phép lưu hành có điều kiện hoặc phê duyệt sử dụng khẩn cấp tại hơn 50 quốc gia, bên cạnh đó Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine này nhằm đẩy nhanh quá trình tiếp cận vaccine cho hơn 145 quốc gia thông qua COVAX Facility, cơ chế "Tiếp cận toàn cầu với vaccine ngừa Covid-19”.