Theo quyết định về việc phân bổ vắcxin Covid-19 vừa được Bộ Y tế ban hành, lô vắcxin đầu tiên sẽ được phân bổ cho CDC của 13 tỉnh, thành đang có dịch Covid-19; 2 Bộ gồm: Bộ Công an, Bộ Quốc phòng và 21 bệnh viện đang điều trị bệnh nhân Covid-19. Trong đó, tỉnh Hải Dương được phân bổ nhiều nhất cả nước với gần 33.000 liều vắcxin Covid-19.
Vắcxin Covid-19 được phân bổ đi những đâu?
Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia - Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương tiếp nhận và vận chuyển vắcxin Covid-19 tới các cơ sở tiêm chủng theo danh sách.
Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia hướng dẫn các địa phương và đơn vị thực hiện bảo quản, phân phối và phối hợp với các cơ sở tiêm chủng khác để sử dụng vắcxin Covid-19.
Bộ Công an và Bộ Quốc phòng chủ động tiếp nhận và triển khai tiêm chủng vắcxin cho các đối tượng ưu tiên theo thẩm quyền quản lý. Đồng thời, thực hiện quản lý, sử dụng vắcxin Covid-19 hiệu quả và đúng đối tượng theo quy định.
Bên cạnh đó, 600 liều vắcxin Covid-19 sẽ được sử dụng để kiểm định chất lượng và lưu mẫu tại đơn vị nhập khẩu và Viện Kiểm định quốc gia Vắc xin và Sinh phẩm y tế theo quy định.
Trước đó, tại Kế hoạch tiêm vắcxin phòng Covid-19 giai đoạn 2021-2022, Bộ Y tế cũng thông tin, trong đợt 1 này nguồn vắcxin mua của AstraZeneca với số lượng 117.600 liều sẽ được ưu tiên tiêm cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch Covid-19; quân đội và công an.
Đối với 13 tỉnh, thành phố hiện đang có dịch sẽ thực hiện quá trình tiêm trước, bao gồm: tỉnh Hải Dương, TP. Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Quảng Ninh, TP. Hải Phòng, tỉnh Bắc Ninh, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Hưng Yên, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Gia Lai, tỉnh Bình Dương, tỉnh Điện Biên và tỉnh Hà Giang trong thời gian tháng 3-4 này.
Các đợt tiêm chủng vắcxin tiếp theo sẽ được căn cứ thực hiện theo tiến độ cung ứng vắcxin Covid-19 thực tế. Bộ Y tế sẽ hướng dẫn cụ thể theo từng đợt tiêm này.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tại hội nghị tập huấn công tác tiêm chủng vắcxin Covid-19 toàn quốc vào hôm 6/3 cũng nhấn mạnh, trong năm nay, nước ta sẽ cố gắng đảm bảo đủ vắcxin Covid-29 theo các đối tượng được ưu tiên tiêm của Nghị quyết 21.
Vì số vắcxin Covid-19 lần này ít nên 13 địa phương đang có dịch được phân bổ vắcxin trước. Các địa phương còn lại tiếp tục chuẩn bị kế hoạch, tập huấn để khi có vắcxin về trong tháng 3/2021 này thì Bộ Y tế sẽ phân bổ ngay cho các địa phương.
Bộ Y tế cho biết, đơn vị cũng đã đàm phán với COVAC đồng ý cung ứng cho nước ta 30 triệu liều vắcxin Covid-19, hãng AstraZeneca cung ứng 30 triệu liều vắcxin Covid-19 trong năm nay, đề nghị chuyển về Việt Nam trước tháng 9 tới đây. Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đang đàm phán tiếp tục với hãng Pfizer để sớm có 30 triệu liều vắcxin Covid-19.
Vào ngày mai, vắcxin Covid-19 sẽ bắt đầu tiêm tại tỉnh Hải Dương và một số bệnh viện, trong đó có Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Bệnh viện Nhiệt đới TP. HCM. Sau đó sẽ tiêm tiếp cho các vùng dịch tại 12 địa phương có dịch Covid-19.
Các phản ứng sau tiêm chủng vắcxin Covid-19 có thể xảy ra
Các phản ứng rất phổ biến (≥10%) như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt ≥ 38 độ C), ớn lạnh, đôi khi có thể có triệu chứng rét run.
Phản ứng phổ biến (từ 1% - 10%) sưng và đỏ tại vị trí tiêm.
Phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn muộn... có thể xảy ra sau tiêm vắcxin Covid-19 nhưng hiện nay WHO chưa có đầy đủ dữ liệu. Đến nay, cũng chưa có một bằng chứng nào cho thấy sự liên quan giữa các trường hợp phản ứng nghiêm trọng đã được ghi nhận ở các quốc gia khác có liên quan đến vắcxin.
Sau khi tiêm vắcxin, người được tiêm vẫn phải thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 và nghiêm túc thực hiện theo thông điệp 5K của Bộ Y tế.