Tương lai bấp bênh của Facebook dưới thời Tổng thống Mỹ Biden

Thứ tư, 27/01/2021 | 10:18 Theo dõi CFĐT trên

Theo BBC, Facebook - nền tảng do Zuckerberg đồng sáng lập giờ đây đang trở thành "tội đồ" trong mắt giới chính trị và có lẽ công ty này sẽ phải đối mặt với tương lai đầy bất ổn, đặc biệt dưới thời của tân Tổng thống Mỹ Biden. 

Tương lai bấp bênh của Facebook dưới thời Tổng thống Mỹ Biden
Tương lai bấp bênh của Facebook dưới thời Tổng thống Mỹ Biden

“Nhân tố phản diện” nổi bật nhất trong giới công nghệ

Ông Sarah Miller, Giám đốc Dự án Tự do Kinh tế Mỹ và cũng là thành viên nhóm chuyển giao quyền lực của ông Biden, cho biết: Zuckerberg không còn là nhân vật được chào đón nữa. Facebook giờ đây bị xem là ‘nhân tố phản diện' nổi bật nhất trong giới công nghệ”. 

Dưới thời cựu Tổng thống Barrack Obama, chính quyền Mỹ được xem là có quan hệ gần gũi với Thung lũng Silicon, trong đó có nền tảng Facebook. Tuy nhiên, theo BBC, dù Joe Biden là người giữ cương vị Phó Tổng thống dưới thời Obama và từng có quan hệ tốt với nền tảng Facebook thì giờ đây mối quan hệ đó cũng không còn nữa. 

Thực tế, tân Tổng thống Mỹ Biden thường đề cập tới nền tnagr Facebook khi nói về những tệ nạn và sai lầm của việc phổ cập Internet miễn phí. 

"Tôi chưa bao giờ hâm mộ Facebook và cũng chưa bao giờ hâm mộ Zuckerberg. Tôi cho rằng cậu ấy chính là một vấn đề", Tổng thống Mỹ cho hay.

Không chỉ ông Joe Biden, Phó Giám đốc phụ trách truyền thông của ông, Bill Russo cũng từng chia sẻ trên Twitter: "Nếu các bạn cho rằng những thông tin sai lệch trên nền tảng Facebook là một vấn đề trong cuộc bầu cử của chúng ta, hãy đợi và chứng kiến nền tảng Facebook này phá nát nền dân chủ của chúng ta những ngày sau đó". 

Với những gì xảy ra trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016, các nghị sĩ đảng Dân chủ đổ lỗi cho Facebook và cho rằng đảng Cộng hòa đã dùng dữ liệu rò rỉ từ vụ Cambridge Analytica để nhằm tới các cử tri, đây được cho là yếu tố quan trọng làm nên chiến thắng của ông Donald Trump. 

Theo BBC, ông Joe Biden với cương vị là Tổng thống Mỹ, ông có thể ra những quyết sách nhằm tái cấu trúc các doanh nghiệp công nghệ khổng lồ và tái định hình mối quan hệ giữa các nền tảng MXH và người dùng. Điều này có thể là một thảm họa với nền tảng Facebook.

Rủi ro bị chia tách, kiện tụng

Trong đó, nguy cơ lớn nhất là việc chính quyền Tổng thống Joe Biden có thể lật lại Điều 230 thuộc Đạo luật Chuẩn mực truyền thông vốn là "lá chắn" miễn trừ trách nhiệm pháp lý cho các nền tảng MXH. Điều luật 230 này bảo vệ các công ty công nghệ như Facebook khỏi bị kiện bởi những nội dung mà người dùng của họ đăng tải.

Trong cuộc phỏng vấn với New York Times năm 2020, ông Joe Biden cho biết, ông muốn "bỏ điều luật này ngay lập tức".

Nếu điều này xảy ra, tất cả những nội dung mà người dùng Facebook, bao gồm những nội dung phỉ báng hay lừa đảo, sẽ thuộc trách nhiệm của nền tảng này. Giới phân tích nhận định, nền tảng Facebook sẽ khó vận hành theo mô hình hiện tại nếu không có Điều 230.

Bên cạnh đó, nền tảng MXH lớn nhất thế giới cũng đang đối mặt với các cuộc điều tra chống độc quyền. Facebook đang bị Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) và 46 bang của Mỹ kiện vì "duy trì vị thế độc quyền bất hợp pháp" bằng cách mua lại các công ty đối thủ. 

FTC cũng cho biết, họ đang xem xét "đảo ngược các thương vụ mua lại Instagram và WhatsApp trước đây của Facebook", tức chia tách “gã khổng lồ” công nghệ này.

Theo các chuyên gia, “gã khổng lồ” công nghệ Facebook chắc chắn sẽ kiên quyết đấu tranh chống lại điều đó. Tuy nhiên, ông Joe Biden được cho là sẵn sàng hỗ trợ những tổ chức muốn chia tách các đế chế công nghệ. Năm 2019, ông từng nhấn mạnh rằng việc chia tách những doanh nghiệp công nghệ như Facebook là "điều cần được cân nhắc kỹ lưỡng". 

Ông Jameel Jaffer, chuyên gia về pháp lý truyền thông của Đại học Columbia, cho biết: "Tôi cho rằng chính quyền của ông Joe Biden có lập trường tương đối mạnh mẽ về việc thực thi luật chống độc quyền. Đặc biệt, với nền tảng này ta cần quan tâm tới tất cả những tác động tiêu cực, không chỉ đối với nền dân chủ mà còn tới sự riêng tư và lợi ích của người dùng".

Theo BCC, Tổng thống Mỹ Joe Biden thậm chí đã nghĩ tới việc thiết lập một đội ngũ chống độc quyền để khôi phục lại sự cạnh tranh trong những lĩnh vực như công nghệ. 

Facebook đang nỗ lực cải thiện hình ảnh và thể hiện rằng nền tảng này có thể tự kiểm duyệt nội dung. Việc Facebook tuyên bố khóa vĩnh viễn tài khoản của ông Donald Trump trên cả Instagram Facebook sau vụ bạo loạn tại tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1 vừa qua đã cho thấy điều đó.

Trong số 5 “gã khổng lồ” công nghệ tại Mỹ, Facebook là công ty chi nhiều tiền nhất cho vận động hành lang với 19,68 triệu USD trong năm 2020, tăng gần 18% so với năm 2019. Trong quý 4/2020, Facebook vận động về cải cách bản quyền, tính toàn vẹn của cuộc bầu cử, chính sách kiểm soát nội dung, nhập cư, thuế quốc tế.

Uyên
Cafe Khởi nghiệp