Dự kiến dịch vụ logistics trong 5 năm tới sẽ tăng 20%

Thứ năm, 25/02/2021 | 15:00 Theo dõi CFĐT trên

Ngành logistics vốn được cho là xương sống của nền kinh tế, đồng hành với tất cả các lĩnh vực hoạt động, từ sản xuất, phân phối và lưu thông cho tới tiêu thụ. Dự kiến dịch vụ logistics trong 5 năm tới sẽ tăng 20%

Dự kiến dịch vụ logistics trong 5 năm tới sẽ tăng 20%
Dự kiến dịch vụ logistics trong 5 năm tới sẽ tăng 20%

Triển vọng ngành logistics năm 2021

Nhằm đưa ngành logistics phát triển bùng nổ từ năm nay thì các doanh nghiệp vận tải dịch vụ ngành logistics cần nắm bắt được cơ hội của các Hiệp định thương mại và tiệm cận nhanh chóng công cuộc chuyển đổi số vào trong kinh doanh nền tảng logistics.

Theo Hiệp hội doanh nghiệp và dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), tốc độ phát triển của ngành logistics tại Việt Nam những năm gần đây đạt khoảng 14%-16%, với quy mô khoảng 40-42 tỷ USD/năm. Đặc biệt, với sự bùng nổ của công nghệ thông tin, thương mại điện tử và e-Logistics thời gian gần đây đã giúp ngành logistics phát triển.

Số liệu từ VLA cho thấy, hiện tại các doanh nghiệp logistics trong nước đang cung cấp từ 2-17 dịch vụ khác nhau, các dịch vụ giao nhận, kho hàng, vận tải, chuyển phát nhanh và khai báo hải quan là chủ yếu. Trong đó, số lượng DN đang ứng dụng các loại hình công nghệ chiếm từ 50%-60%, tùy theo quy mô và tính chất dịch vụ của từng DN.

Trước thực trạng cạnh tranh gay gắt của thị trường vận tải và sự bùng nổ của nền kinh tế số cùng với thương mại điện tử ngày càng mạnh, trước áp lực từ dịch bệnh Covid-19, các DN logistics đã nhận thức được tầm quan trọng của việc chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ vào hoạt động kinh doanh để tăng cường hiệu quả kinh tế cũng như việc tối ưu hóa trong các dây chuyền sản xuất và cung ứng sản phẩm. Đây được xem là yêu cầu cấp bách buộc ngành logistics phải tiệm cận nhanh và ứng dụng công nghệ để tiến hành chuyển đổi.

Bên cạnh đó, các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới như các Hiệp định song phương đã ký với ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc và các Hiệp định FTA, EVFTA, TP-CPP và RCEP vừa mới ký chắc chắn sẽ phát huy tác dụng.

Tuy nhiên, bức tranh logistics năm 2021 sẽ còn tồn tại một số khó khăn trước mắt. Việc thiếu hụt container rỗng phục vụ xuất khẩu kết hợp với các yếu tố bất lợi như tăng giá cước vận tải do quy định áp đặt gây khó từ các hãng tàu nước ngoài...

Ở chiều ngược lại, hàng hóa từ châu Âu và các nước có ký kết FTA với Việt Nam sẽ xuất khẩu vào nhiều hơn bởi ngành logistics là một trong những ngành có liên quan mật thiết do đảm bảo chuỗi cung ứng được vận hành một cách thông suốt.

Dịch vụ logistics dự kiến tăng 20% 5 năm tới

Mới đây, Thủ tướng Chính phủ vừa có Quyết định số 221/QĐ-TTg, sửa đổi, bổ sung Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 14/2/2017 về việc phê duyệt Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến 2025. Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22/2/2021.

Theo đó, sửa đổi khoản 1, mục II, Điều 1 gồm: "Đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành logistics vào GDP đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50 60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt 50 trở lên”.

Quyết định số 200 trước đó đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ trọng đóng góp của ngành dịch vụ logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số LPI trên thế giới đạt thứ 50 trở lên.

Quyết định cũng bổ sung lộ trình trình thực hiện Kế hoạch này, cụ thể, rà soát tình hình thực hiện và tiếp tục triển khai các nhiệm vụ năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam từ năm 2020-2021. Tiếp tục triển khai các nhiệm vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam vào năm 2022.

Sơ kết và đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam sẽ triển khai vào năm 2023, chuẩn bị cơ sở lý luận, thực tiễn nhằm nghiên cứu và xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Năm 2024, ngành tiếp tục triển khai các nhiệm vụ để nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam. Đồng thời, tổ chức xây dựng Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Tổng kết và đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch hành động vào năm 2025. Tiếp đến là triển khai Chiến lược phát triển dịch vụ logistics Việt Nam giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn đến năm 2045.

Kinh phí để thực hiện kế hoạch này được đảm bảo từ các nguồn ngân sách Nhà nước, vốn DN, vốn vay từ các tổ chức tín dụng, tài trợ quốc tế và nguồn vốn huy động hợp pháp khác theo quy định pháp luật.

Lý Hằng
Cafe Khởi nghiệp