Moody's Investors Service (Moody's), một hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ mức “tiêu cực” lên mức “tích cực”.
Moody's Investors Service (Moody's), một hãng xếp hạng tín nhiệm uy tín trên thế giới đã nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam từ mức “tiêu cực” lên mức “tích cực”.
Bên cạnh đó, hãng này vẫn giữ nguyên bậc tín nhiệm nhà phát hành nợ dài hạn và nợ cao cấp không được đảm bảo của Việt Nam ở mức “Ba3”.
Cơ sở để Moody’s nâng triển vọng tín nhiệm của Việt Nam lên mức "tích cực" xuất phát từ những dấu hiệu của sự cải thiện về sức mạnh tài chính cũng như tiềm năng cải thiện về kinh tế, đây là một yếu tố có thể củng cố hồ sơ tín nhiệm của Việt Nam trong thời gian tới. Sự cải thiện bền vững về tài chính của Việt Nam đã kéo theo sự cải thiện về các thông số tài chính và nợ.
Theo nhận định của Moody’s, tình hình tài chính của Việt Nam thời điểm hiện tại sẽ chỉ bị gián đoạn bởi đại dịch trong thời gian ngắn, sau đó, Việt Nam sẽ hồi phục nhanh nhờ kiểm soát dịch bệnh tương đối thành công.
Trước đó, hồi cuối 2019, hãng này đã đánh giá xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam ở mức "tiêu cực", điều này phản ánh mối lo ngại xung quanh những thiếu sót trong quản lý hành chính. Những thiếu sót này dẫn đến việc chậm thanh toán nghĩa vụ nợ gián tiếp. Hiện nay, Moody’s đã ghi nhận điểm số về sức mạnh thể chế được tăng cường của Việt Nam trong việc quản lý ngân sách, quản lý nợ, điều này giúp rủi ro chậm trễ thanh toán nợ giảm bớt.
Triển vọng tăng trưởng kinh tế trong trung hạn của Việt Nam được Moody’s nhận định là đầy hứa hẹn nhờ việc cải thiện vị thế tài khoá và nợ. Không chỉ vậy, Việt Nam còn có tiềm năng trong việc hưởng lợi từ xu thế dịch chuyển toàn cầu về sản xuất, thương mại và tiêu dùng đang diễn ra với sức cạnh tranh của ngành chế biến chế tạo và khu vực kinh tế đối ngoại năng động.
Moody's cũng kỳ vọng về các thỏa thuận thương mại được thiết lập sẽ củng cố vị thế cạnh tranh của Việt Nam đối với những mặt hàng có giá trị thấp như giày dép và hàng may mặc. Việt Nam cũng là trung tâm của chuỗi cung ứng công nghệ khu vực để sản xuất điện thoại thông minh, chất bán dẫn và các sản phẩm điện tử khác. Việt Nam đang thúc đẩy quá trình hội nhập thương mại, qua đó tiếp tục thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông và hậu cần, đây là mảng vốn kém phát triển hơn so với nhiều nền kinh tế ở khu vực Đông Nam Á khác nhưng đang dần bắt kịp về hiệu quả.
Bên cạnh đó, khi các công ty lớn trên thế giới đang đặt mục tiêu đa dạng hóa sản xuất ở châu Á, Việt Nam sẽ tiếp tục thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) do chi phí lao động rẻ, tình hình chính trị ổn định cùng với các ưu đãi có lợi cho thương mại và đầu tư.