Tại sao nhà ở giá rẻ biến mất trên thị trường?

Thứ bảy, 13/02/2021 | 16:48 Theo dõi CFĐT trên

Theo thống kê, thị trường bất động sản TP. HCM gần như đã tuyệt tích nhà ở giá rẻ (dưới 20 triệu/m2), còn tại Hà Nội, tỉ lệ này chỉ ở mức dưới 10%. Vậy nguyên nhân vì đâu?

Vì sao mà nguồn cung nhà ở giá rẻ lại thấp đến vậy?
Vì sao mà nguồn cung nhà ở giá rẻ lại thấp đến vậy?

Từ số liệu của Bộ Xây dựng cung cấp, đến hết năm 2020, cả nước hiện mới có 249 dự án nhà ở giá rẻ, với 5,21 triệu mét vuông sàn được hoàn thành. Nếu so với mục tiêu đề ra tại Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, tỷ lệ chỉ đạt 41,7%. Trong khi đó, đây lại là phân khúc chiếm tới 70 - 80% nhu cầu thị trường.

Dẫn đến sự lệch pha cung - cầu nói trên là vì dự án nhà ở giá rẻ thường không hấp dẫn nhà đầu tư bởi lợi nhuận thấp, nguồn vốn ưu đãi cho chủ đầu tư cũng như người mua cũng không có nhiều, quỹ đất dành cho dự án nhà ở giá rẻ lại thiếu… Vì vậy, không có nhiều dự án nhà ở giá rẻ được khởi công trong vòng khoảng 2 năm trở lại đây. Nhất là trong năm 2020, việc nguồn cung tụt giảm trong khi nhu cầu rất lớn đã đẩy giá căn hộ tăng mạnh, điều này làm nhiều dự án thuộc phân khúc nhà giá rẻ lại bị đẩy giá bán tương đương với phân khúc trung bình.

Về sự khan hiếm nguồn cung dự án cũng như số lượng nhà ở giá rẻ, ông Lê Hoàng Châu- Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. HCM (HoREA) cho rằng, nguyên nhân đến từ cơ chế chính sách về kinh doanh bất động sản vẫn chưa đồng bộ và chưa sát với thực tế, nhất là chưa bố trí được nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước nhằm tái cấp vốn hoặc bù lãi suất cho đối tượng hưởng chính sách nhà ở xã hội.

Tính đến năm 2017, ngân sách mới bố trí được 1.262 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội. Đến tháng 4/2020, ngân sách bố trí thêm được 3.000 tỷ đồng, trong đó 1.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và phần còn lại cho 4 ngân hàng thương mại. 

Nguyên nhân khác đến từ việc chưa thực hiện tốt chính sách ưu đãi với chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội. Điều này dẫn đến các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội phải vay với lãi suất thương mại, vừa hạn chế phát triển vừa làm tăng giá thành nhà ở xã hội. 

Khó khăn về thủ tục đầu tư khiến cho không ít chủ đầu tư nản lòng. Theo ông Lê Hoàng Châu, thời gian qua có hơn 10 doanh nghiệp bất động sản tại TP. HCM tích cực tham gia đầu tư nhà ở xã hội bằng vốn tự có, không xin hỗ trợ ngân sách và tự tạo lập quỹ đất nhưng vẫn gặp phải nhiều khó khăn, vướng mắc về thủ tục pháp lý. 

Mai Phương
Cafe Khởi nghiệp