TP. Thủ Đức, 4 huyện vùng ven sắp lên quận và thông tin Chính phủ cho phép chuyển đổi 26.000 héc-ta đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, dịch vụ, thương mại, đô thị nhà ở trong giai đoạn 2016-2020 là 3 điểm nóng trên thị trường bất động sản TP. HCM trong thời gian tới.
Thành phố Thủ Đức tiên phong trên thị trường bất động sản TP. HCM
Không có gì nghi ngờ khi nói TP. Thủ Đức là điểm nóng nhất trên thị trường bất động sản trong khoảng 10 năm tới. TP. Thủ Đức là thành phố trực thuộc TP. HCM trên cơ sở sắp xếp các quận 2, 9 và Thủ Đức. Các quận này thuộc phạm vi 12 quận nội thành phát triển. Vì vậy, khi TP. Thủ Đức ra đời vẫn sẽ phải đảm bảo bài toán phát triển nhà ở, nhằm tạo động lực mới để phát triển thị trường nhà ở trong thời gian tới.
Về bất động sản, khi gộp lại 3 quận (quận 2, quận 9, Thủ Đức), TP. Thủ Đức tương lai sẽ là nơi có nhiều dự án khu đô thị nhất trên thị trường bất động sản TP. HCM. Trong thời gian 5-10 năm tới, đây sẽ là khu vực xuất hiện nhiều loại hình bất động sản hơn, từ đó trở thành điểm nóng thu hút đầu tư nước ngoài rất mạnh mẽ.
4 huyện vùng ven TP. HCM sẽ tiến lên quận
Điểm nóng thứ 2 là đề án chuyển đổi 4 trên 5 huyện thành quận trong 10 năm tới. Bốn huyện vùng ven này với quỹ đất lớn được dự báo sẽ sớm được chuyển đổi lên quận và nhanh chóng trở thành tâm điểm của thị trường nhà ở trong bối cảnh thị trường bất động sản TP. HCM đang khan hiếm nguồn cung.
Huyện Củ Chi có 43.000 héc-ta, trong đó đất nông nghiệp 14.000 héc-ta (chiếm 32% đất tự nhiên của huyện) nhưng dự báo đến năm 2025 chỉ còn 4% số hộ làm nông nghiệp.
Huyện Hóc Môn, diện tích đất nông nghiệp chiếm 21% và dự báo năm 2025 số hộ nông nghiệp còn 0,6%, với 1.200 người làm nông nghiệp. Dự kiến, đến năm 2030 chỉ còn 619 người làm nông nghiệp.
Huyện Bình Chánh có 7.900 héc-ta đất nông nghiệp, chiếm 31% diện tích tự nhiên huyện. Dự báo đến năm 2025 chỉ còn 0,4% số hộ làm nông nghiệp.
Tại huyện Nhà Bè, diện tích đất nông nghiệp được quy hoạch chỉ chiếm 3%. Dự báo năm 2025 chỉ còn hơn 100 hộ làm nông nghiệp, tức 0,1% số hộ trên địa bàn.
Đề án chuyển đổi 26.000 héc-ta đất nông nghiệp thành đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị
Điểm nóng thứ 3 chính là đề án chuyển đổi mục đích sử dụng đất của 26.000 héc-ta đất nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2020. Diện tích này sẽ nằm rải rác các quận, huyện vùng ven còn quỹ đất nông nghiệp.
Theo tính toán, 1 héc-ta đất công nghiệp, thương mại, dịch vụ, đô thị tạo ra giá trị hơn 100 lần so với 1 héc-ta đất nông nghiệp. Do đó, việc chuyển đổi đất nông nghiệp sẽ mang lại lợi ích cho cả người dân và thành phố, từ đó giúp thị trường bất động sản tối ưu được quỹ đất này.