Một năm khó khăn sắp tới đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và một số quốc gia phát triển nói riêng, đặc biệt là Anh.
Một năm khó khăn sắp tới đối với nền kinh tế toàn cầu nói chung và một số quốc gia phát triển nói riêng, đặc biệt là Anh.
Cuối tuần qua, Giám đốc IMF Kristalina Georgieva cho biết có tới 1/3 nền kinh tế toàn cầu có thể rơi vào suy thoái trong năm nay, đồng thời cảnh báo về một “năm khó khăn” phía trước đối với thế giới.
Georgieva cho biết thêm, sự co lại về tốc độ tăng trưởng ở đồng thời 3 nền kinh tế là Mỹ, Trung Quốc và EU sẽ là tác nhân chính gây ra suy thoái toàn cầu.
Nhưng với những tác động kéo dài của đại dịch và cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục kéo dài, một số quốc gia phát triển như Vương quốc Anh sẽ phải đối mặt với thách thức lớn hơn nhiều so với những quốc gia khác.
Vương quốc Anh đang phải đối mặt với “cuộc suy thoái sâu hơn và dài hơn” so với bất kỳ quốc gia nào trong G7, với khoảng 80% các nhà kinh tế cho rằng Anh sẽ phải chịu gánh nặng của một cuộc suy thoái kéo dài hơn so với các quốc gia phát triển khác.
Financial Times đã thăm dò ý kiến của 101 nhà kinh tế tại Vương quốc Anh về triển vọng kinh tế của quốc gia này so với các quốc gia G7 khác. Theo kết quả khảo sát, phần lớn các nhà kinh tế cho rằng Anh đang phải đối mặt với một đợt suy giảm kinh tế nghiêm trọng hơn nhiều và sẽ mất nhiều thời gian hơn để phục hồi.
Các nhà kinh tế đều đồng ý rằng, lạm phát tăng cao liên tục, sự sụt giảm trong lực lượng lao động cũng như quan hệ thương mại với EU và khủng hoảng năng lượng là những yếu tố chủ chốt đẩy triển vọng kinh tế Anh vào “bóng tối”.
Ông Ricardo Reis, Giáo sư tại Trường Kinh tế London và là một nhà kinh tế tham gia khảo sát của FT, nói: “Nước Anh đang gánh chịu cú sốc năng lượng tồi tệ như ở châu Âu, tỷ lệ lạm phát tồi tệ như Mỹ, đồng thời nước này còn đối mặt với vấn đề thiếu nguồn cung lao động sau Brexit và cuộc khủng hoảng y tế".
Bên cạnh đó, các nhà kinh tế được khảo sát dự đoán lạm phát sẽ trở lại bình thường vào năm 2024 và 2023 là một chặng đường dài đối với Vương quốc Anh.
Xem thêm: Điều gì có thể khiến nền kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái trong năm 2023?
Cuộc khảo sát cho thấy lạm phát cao sẽ gia tăng gánh nặng tài chính cho người tiêu dùng trong khi chính sách tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đẩy chi phí đi vay cao hơn. Để mô tả về triển vọng tiêu dùng trong năm mới, các nhà kinh tế đã sử dụng một số tính từ từ “khủng khiếp” cho đến “khốn khổ”.
Lạm phát ở Anh đạt ngưỡng 10,7% vào tháng 12/2022, và giống như nhiều nước khác, BoE đã tiến hành một loạt các đợt nâng lãi suất trong năm qua nhằm giảm thiểu tình trạng lạm phát.
Tại cuộc họp cuối cùng của năm 2022, diễn ra trong tháng 12, BoE đã tăng lãi suất một lần nữa, đồng thời phát đi tín hiệu sẵn sàng “phản ứng quyết liệt” bằng nhiều đợt tăng lãi suất cao hơn nếu lạm phát có dấu hiệu kéo dài trong năm 2023.
Các nhà kinh tế được Financial Times khảo sát cho biết, lạm phát có thể tiếp tục tăng cao ngất ngưởng do giá năng lượng leo thang, ảnh hưởng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã cắt giảm dòng chảy khí tự nhiên tới châu Âu, khiến giá năng lượng tăng vọt trong năm 2022.
Việc siết chặt nguồn cung đã gây ra một cuộc khủng hoảng năng lượng ở Anh khi quốc gia này phụ thuộc vào khí đốt tự nhiên để sản xuất 40% sản lượng điện và đáp ứng 84% nhu cầu sưởi ấm. Bên cạnh đó, không giống như EU, Anh có khả năng lưu trữ khí đốt rất hạn chế.
Hơn nữa, vấn đề lạm phát của đất nước đã trở nên phức tạp hơn do sự thu hẹp lực lượng lao động. Trong vài năm qua, số lượng nhân viên nghỉ việc tại Anh đã cán mốc kỷ lục, do các bệnh mãn tính và vấn đề về sức khỏe tâm thần.
Số công nhân nghỉ việc vì ốm đau tăng 500.000 từ năm 2019 đến tháng 11/2022, theo Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh.
Lực lượng lao động bị thu hẹp cũng đã gây thiệt hại cho các dịch vụ công cộng ở Anh. Lực lượng lao động làm việc trong các lĩnh vực an sinh xã hội đã giảm 50.000 người trong năm 2022 do bất đồng về tiền lương và vấn đề sức khỏe, ghi dấu lần giảm đầu tiên trong một thập kỷ.
Lạm phát cao và lực lượng lao động bị thu hẹp dự kiến sẽ làm trầm trọng thêm tình trạng suy thoái ở Anh trong năm nay, nhưng đây không phải là lần đầu tiên nền kinh tế của nước này tụt hậu so với các nước G7.
Trong những ngày đầu của đại dịch năm 2020, khi phần lớn thế giới bước vào giai đoạn suy thoái ngắn, sự thu hẹp kinh tế của Vương quốc Anh được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong khối G7. Các nhà kinh tế cho rằng sự suy giảm trên là do Anh trì hoãn việc đưa ra các biện pháp phong tỏa, khiến số ca tử vong do dịch Covid-19 gây ra xếp vào hàng cao nhất châu Âu.
Kể từ sau đại dịch, sự phục hồi kinh tế ở Anh cũng chậm hơn so với các quốc gia giàu có khác.
Năm ngoái, Vương quốc Anh là nước G7 duy nhất hoạt động kinh tế kém tăng trưởng nhất khi lạm phát và lãi suất cao giáng đòn mạnh vào tăng trưởng kinh tế.
Xem thêm: Chuyên gia: “Chúng ta đang đối mặt với một cuộc suy thoái kéo dài gấp đôi bình thường”