Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính từ 15/7 - 31/8, 16 ngân hàng thương mại đã giảm tổng tiền lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 là 8.865 tỷ đồng, đạt hơn 43% so với cam kết.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính từ 15/7 - 31/8, 16 ngân hàng thương mại đã giảm tổng tiền lãi cho khách hàng bị ảnh hưởng do dịch COVID-19 là 8.865 tỷ đồng, đạt hơn 43% so với cam kết.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) vừa công bố kết quả việc giảm lãi suất cho vay theo cam kết của 16 ngân hàng thương mại.
Theo đó, thực hiện Nghị quyết 63/NQ-CP của Chính phủ, chỉ đạo của NHNN, 16 ngân hàng đã đồng thuận (thông qua Hiệp hội ngân hàng) giảm lãi suất cho vay áp dụng từ 15/7/2021 đến hết năm 2021 với tổng số tiền lãi giảm cho khách hàng ước tính 20.613 tỷ đồng. Riêng 4 ngân hàng thương mại Nhà nước tiếp tục cam kết dành riêng gói hỗ trợ 4.000 tỷ đồng để giảm lãi suất, giảm 100% các loại phí dịch vụ ngân hàng trong thời gian giãn cách cho khách hàng tại các địa phương đang thực hiện cách ly toàn xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.
16 ngân hàng thương mại gồm: Vietinbank, Vietcombank, Agribank, BIDV, MB, Bưu Điện Liên Việt, TPBank, VIB, ACB, Seabank, SHB, HDBank, MSB, VPBank, Techcombank, Sacombank (chiếm 75% tổng dư nợ nền kinh tế).
Trong đó, Agribank đã giảm lãi 4.726 tỷ đồng; tổng số tiền lãi BIDV giảm cho khách hàng là 1.032 tỷ đồng; VietinBank giảm 857 tỷ đồng; Vietcombank giảm 943 tỷ đồng; MB giảm 550 tỷ đồng; Techcombank giảm 155 tỷ đồng...
Tổng cục Thống kê cho biết, tính đến ngày 20/9, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,17%, cao gấp 1,4 lần mức tăng trưởng của cùng kỳ năm trước là 4,99%. Tuy nhiên trước đó, theo số liệu của NHNN, tính đến ngày 31/8, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 7,42%. Trong 20 ngày đầu tháng 9/2021, tăng trưởng tín dụng bị giảm.
Hiện lãi suất cho vay ngắn hạn bình quân bằng VND đối với một số lĩnh vực ưu tiên ở mức 4,4%/năm, thậm chí còn thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định của NHNN là 4,5%/năm. Ảnh hưởng của đại dịch khiến doanh nghiệp không có cơ hội sản xuất nên cũng không thể hấp thụ được vốn.
Từ cuối tháng 8/2021, nhiều ngân hàng đã giảm lãi suất huy động trong bối cảnh ngân hàng dồi dào thanh khoản và tín dụng tăng chậm.
Trong 9 tháng qua, do duy trì mức lãi suất thấp nên huy động vốn của các tổ chức tín dụng chỉ tăng 4,28%, thấp hơn nhiều so với mức huy động cùng kỳ năm ngoái là 7,48%.
Mức lãi suất tiền gửi bình quân bằng đồng Việt Nam của ngân hàng thương mại trong nước ở mức 0,1 - 0,2%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 3,3 - 3,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 4,2 - 5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến 12 tháng; 5,4 - 6,8%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ trên 12 tháng đến 24 tháng và 6,1 - 6,9% đối với kỳ hạn trên 24 tháng.