Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho biết vẫn thuê doanh nghiệp viết với mức 15-25 triệu/tin. Với mức hưởng như vậy, nếu bị phạt 7,5 triệu thì “không là gì cả”…
Chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho biết vẫn thuê doanh nghiệp viết với mức 15-25 triệu/tin. Với mức hưởng như vậy, nếu bị phạt 7,5 triệu thì “không là gì cả”…
Chia sẻ tại Tọa đàm “Bảo vệ doanh nghiệp trước tin giả”, nhà báo, chuyên gia truyền thông Lê Quốc Vinh cho rằng, xử lý tin giả rất khó, cần có giải pháp toàn diện, đồng bộ.
Đặt vấn đề về giải pháp răn đe nó có hiệu quả hay không, ông Lê Quốc Vinh cho rằng, hình phạt phải hướng tới dùng để răn đe những người có mưu toan làm sai. Còn nếu như vô tình truyền bá tin giả, với mức phạt 7,5 triệu đồng như hiện nay là rất nặng.
“Người ta sẽ phải thận trọng, 1 lần bị phạt như vậy người ta sẽ "chừa tới già", nhưng đối với những người cố tình tung tin giả để trực lợi thì mức phạt trên không là gì hết.” – ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh.
Theo vị chuyên gia truyền thông này thì việc tung tin giả trên mạng có rất nhiều đối tượng khác nhau, có những người có ảnh hưởng rất lớn, “một lời, một post người ta đưa lên facebook hàng trăm nghìn người đọc và từ đó lại chia sẻ ra nhiều nữa. Nhưng cũng có những người tung tin giả nhưng không ai để ý bởi họ không là ai cả”.
Ông Lê Quốc Vinh nhấn mạnh, “pháp luật phải nhìn thấy sự khác biệt đó.”
Theo ông Lê Quốc Vinh, không thể so sánh tội phạm ở lĩnh vực này với tội phạm ở các lĩnh vực khác, mức độ lan truyền tin giả, tin thất thiệt hoàn toàn phụ thuộc vào mức độ nổi tiếng, ảnh hưởng, vì vậy, việc xử phạt đối với một công dân bình thường vô tình tiếp tay cho tin giả phải khác với người cố tình hoặc những người có độ ảnh hưởng lớn trong xã hội.
“Một status viết thuê cho các doanh nghiệp thì trị giá đối với 1 người "KOL" từ 15-25 triệu đồng, chúng tôi thỉnh thoảng vẫn thuê những "KOL" để viết và trả một mức tiền như thế. Không chỉ chúng tôi mà rất nhiều doanh nghiệp cũng làm như vậy. Với mức hưởng như vậy nếu bị phạt 7,5 triệu thì không là gì cả, cho nên cơ quan quản lý Nhà nước cần phân biệt rõ mức độ ảnh hưởng” - nhà báo Lê Quốc Vinh tiếp tục nêu rõ.
Vị chuyên gia truyền thông này cũng cảnh báo, một phần rất lớn tin giả được thiết kế, xây dựng với chủ đích để tấn công các doanh nghiệp. Trong khi đó, các tổ chức tấn công luôn cả nền kinh tế của chúng ta, tấn công thị trường chứng khoán. “Lợi ích của họ không đo đếm được, chắc chắn rất lớn, nếu cứ chiếu theo luật của mình thì phạt không có ý nghĩa gì” - ông Lê Quốc Vinh nêu ý kiến.
Đồng ý răn đe chưa phải là một giải pháp hoàn chỉnh, chỉ là một phần, nhưng vị chuyên gia truyền thông cũng đánh giá, răn đe cũng sẽ góp phần hạn chế đối với những người dân thường. Hiện nay mức độ răn đe không cao nên khi bắt được tin giả họ sẵn sàng share ra ngoài. “Họ không sợ. Nhưng nếu như hình thức răn đe để sức nặng thì họ phải thận trọng, khi đọc được tin giật gân họ phải suy nghĩ có nên post nó hay không, nếu giả thì sao.”
Đồng quan điểm này, Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế, Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) Đậu Anh Tuấn xác nhận, trên mạng xã hội “có những người bình thường và những người có ảnh hưởng (KOL).”
“Ở các nước cũng như vậy, họ sẽ phải tập trung quản lý về những người này, không chỉ là xử phạt, mà có những quy định bắt buộc nghĩa vụ họ phải thực hiện. Như một số nước hay như Singapore, họ quảng cáo cho một sản phẩm, nếu nhận tài trợ hay có nguồn từ chỗ nào đấy thì nghĩa vụ họ là phải công khai, khai báo lên là họ đang dùng thử một sản phẩm mà họ được tài trợ của nhãn hàng đấy, nếu không sẽ bị xử phạt rất nhiều. Phải có cách thức bắt buộc công khai thông tin, chứ không để tình trạng nhập nhằng như hiện nay. Cái gì liên quan đến kiếm tiền, có nguồn lợi từ đó thì phải công khai, đấy là một cơ chế trong nhiều cơ chế khác” - Phó Tổng Thư ký kiêm Trưởng Ban Pháp chế của VCCI nêu rõ.