Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm xảy ra nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử lý hành chính…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm xảy ra nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử lý hành chính…
Sáng 15/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; báo cáo của Chính phủ về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật.
Báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật nêu rõ, năm 2022, số vụ phạm tội về trật tự xã hội giảm 9,75%. Về cơ bản các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng đều được khẩn trương điều tra làm rõ; hầu hết các loại tội phạm đều giảm.
Tuy nhiên, tình hình tội phạm còn diễn biến phức tạp, nổi lên các vấn đề như: Tội phạm giết người tăng 7,43%; đối tượng sử dụng ma túy dẫn đến ảo giác, người có tiền sử bệnh tâm thần giết người gây lo lắng, bất an trong nhân dân; Tội phạm liên quan đến “tín dụng đen” chuyển hướng hoạt động với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác phát hiện, điều tra, xử lý;
Cùng với đó, tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp, gây bức xúc trong dư luận; Tội phạm mua, bán người có dấu hiệu phức tạp trở lại sau khi mở cửa biên giới; Tội phạm xâm phạm sở hữu (cướp, cướp giật, lừa đảo chiếm đoạt tài sản) tuy giảm về số vụ nhưng tính chất còn nghiêm trọng.
Theo Báo cáo công tác của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao năm 2022, công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử các vụ án hình sự đạt kết quả tốt hơn; số lượng kiến nghị yêu cầu Cơ quan điều tra, Tòa án khắc phục vi phạm tăng 1,2%; tiếp tục phối hợp tốt trong việc điều tra, truy tố và đưa ra xét xử nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao; tỷ lệ thu hồi tài sản trong các vụ án về tham nhũng xảy ra trong hoạt động tư pháp đạt 82,6% (vượt 22,6% so với chỉ tiêu trong Nghị quyết số 96 của Quốc hội).
Bên cạnh đó, công tác kiểm sát hoạt động tư pháp có những chuyển biến tích cực; tỷ lệ kiến nghị yêu cầu cơ quan tư pháp, cơ quan hữu quan khắc phục, phòng ngừa vi phạm được tiếp thu, thực hiện đạt tỷ lệ cao và đều vượt chỉ tiêu Quốc hội, tăng 8,3%;
Số lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính tăng 53,2%; tỷ lệ kháng nghị giám đốc thẩm án hành chính được Hội đồng xét xử chấp nhận tăng nhiều (tăng 20,3%) và vượt chỉ tiêu của Quốc hội (vượt 3,6%); tỷ lệ kháng nghị phúc thẩm án dân sự được Hội đồng xét xử chấp nhận, đạt 80% và vượt 10% chỉ tiêu yêu cầu của Quốc hội…
Báo cáo công tác của Tòa án nhân dân tối cao năm 2022 nêu rõ, từ ngày 01/10/2021 đến ngày 31/7/2022, các Tòa án đã giải quyết 71,07% số vụ việc đã thụ lý. Tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan của Tòa án là 0,88%, đáp ứng yêu cầu mà Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Về các vụ án hình sự, các Tòa án đã giải quyết, xét xử được 85,2% các vụ việc đã thụ lý. Việc xét xử các vụ án hình sự bảo đảm nghiêm minh, đúng pháp luật, chưa phát hiện trường hợp nào kết án oan người không có tội…
Về các vụ việc dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại và lao động, các Tòa án đã giải quyết 68,06% số vụ việc đã thụ lý. Tỷ lệ các bản án, quyết định hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan đáp ứng yêu cầu Nghị quyết Quốc hội đề ra.
Các Tòa án đã chú trọng và tập trung thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tương trợ tư pháp. Về các vụ án hành chính, các Tòa án đã giải quyết, xét xử 49% số các vụ đã thụ lý.
Thẩm tra các nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga cho rằng, kết quả phát hiện và xử lý vi phạm pháp luật và tội phạm trên một số lĩnh vực còn chưa tương xứng với tình hình thực tế. Tội phạm và vi phạm pháp luật trong lĩnh vực môi trường, an toàn thực phẩm xảy ra nhiều nhưng việc phát hiện, xử lý chưa đủ sức răn đe, chủ yếu là xử lý hành chính;
Tội trộm cắp, cướp giật tài sản xảy ra nhiều nhưng tỷ lệ điều tra, khám phá thấp; một số vụ buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn mới để hoạt động, xảy ra trong thời gian dài mới bị phát hiện.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, công tác điều tra, xử lý tội phạm vẫn còn một số hạn chế như: Tỷ lệ giải quyết tố giác, tin báo tội phạm là 81,18%, chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao. Việc áp dụng biện pháp ngăn chặn bắt, tạm giữ, tạm giam vẫn còn vi phạm. Vẫn còn các trường hợp khởi tố oan.
Đối với báo cáo công tác của ngành kiểm sát, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác của ngành kiểm sát vẫn còn một số tồn tại cần kịp thời khắc phục như: còn để xảy ra trường hợp Viện kiểm sát truy tố nhưng Tòa án tuyên không phạm tội. Một số trường hợp hủy bỏ biện pháp ngăn chặn chưa chặt chẽ dẫn đến bị can phạm tội mới hoặc bỏ trốn.
Mặc dù số lượng án thụ lý giảm nhưng số vụ bị Tòa án trả hồ sơ yêu cầu điều tra bổ sung tăng 30,4%. Trong giai đoạn xét xử, còn 55 trường hợp Viện kiểm sát phải rút một phần quyết định truy tố tại phiên tòa hoặc truy tố không đúng tội danh, không đúng khung hình phạt. Chất lượng kháng nghị phúc thẩm trong một số vụ án còn hạn chế, không có căn cứ, sau đó Viện kiểm sát cấp trên phải rút kháng nghị.
Về công tác kiểm sát việc giải quyết các vụ, việc dân sự, vụ án hành chính, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, chất lượng kháng nghị phúc thẩm án hành chính vẫn còn hạn chế, tỷ lệ kháng nghị được Toà án chấp nhận tiếp tục giảm và chưa đạt yêu cầu của Quốc hội.
Thẩm tra báo cáo công tác của ngành Tòa án, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho biết, năm 2022, về cơ bản, các vụ án được đưa ra xét xử đúng thời hạn luật định. Tuy nhiên, tỷ lệ giải quyết án hình sự chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội giao (trên 88%). Vẫn còn một số trường hợp vi phạm thời hạn gửi bản án; áp dụng chưa chính xác tội danh, khung hình phạt, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; một số trường hợp áp dụng án treo không đúng.
Với công tác xét xử, giải quyết các vụ, việc dân sự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp nêu rõ, tỷ lệ giải quyết vụ việc dân sự chưa đạt chỉ tiêu của Quốc hội (trên 78%); còn một số vụ việc dân sự quá hạn giải quyết do nguyên nhân chủ quan. Vẫn còn một số trường hợp thu thập, đánh giá chứng cứ chưa đầy đủ dẫn tới bản án, quyết định bị hủy, sửa. Còn một số trường hợp vi phạm về thời hạn chuyển giao văn bản tố tụng, trả lại đơn khởi kiện…
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cũng cho biết, dù các Tòa án đã có nhiều cố gắng trong công tác giải quyết án hành chính, nhưng tỷ lệ giải quyết các vụ án hành chính chưa đạt chỉ tiêu Quốc hội (trên 60%). Tỷ lệ án bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan chưa đạt yêu cầu của Quốc hội; Một số trường hợp còn có vi phạm, nên Viện kiểm sát đã ban hành 109 kiến nghị yêu cầu khắc phục và được chấp nhận thực hiện.