Việt Nam áp thuế chống bán phá giá lên sản phẩm đường mía của Thái Lan

Thứ ba, 09/02/2021 | 19:29 Theo dõi CFĐT trên
Mức thuế chống bấn phá giá tạm thời mà các sản phẩm từ đường mía của Thái Lan sẽ phải chịu là 33.88%
Mức thuế chống bấn phá giá tạm thời mà các sản phẩm từ đường mía của Thái Lan sẽ phải chịu là 33.88%

Theo đó, các sản phẩm đường mía xuất xứ từ Thái Lan sẽ bị áp mức thuế chống bán phá giá tạm thời là 33,88%, dù kết quả điều tra ban đầu cho thấy các sản phẩm trên đã được Chính phủ Thái Lan trợ cấp, bán phá giá ở mức 48,88%.

Được điều tra từ tháng 9/2020, Bộ Công thương cho biết đã xem xét và đánh giá kỹ lưỡng thiệt hại của ngành sản xuất trong nước, mức độ bán phá giá và mức độ được trợ cấp của các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu sản phẩm đường mía của Thái Lan, cũng như tính toán tác động đối với các ngành sản xuất hạ nguồn và đối với người tiêu dùng.

Sau thời gian điều tra kéo dài gần 5 tháng, kết quả cho thấy, ngành sản xuất đường mía trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề. Trong đó, một loạt các nhà máy đường đã buộc phải đóng cửa, gây tác động nghiêm trọng đến người lao động.

Theo tính toán, đã có 3.300 người lao động bị mất việc làm và 93.225 hộ nông dân bị ảnh hưởng do khó khăn của ngành sản xuất trong nước.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do đường nhập khẩu được trợ cấp và bán phá giá từ Thái Lan tăng mạnh trong năm 2020 lên tới gần 1,3 triệu tấn, tăng 330,4% so với năm 2019.

Trong khi đó, theo Hội Lương thực - thực phẩm TP.HCM (FFA), chính sách trợ cấp và có dấu hiệu bán phá giá của Thái Lan thời gian qua khiến lượng đường Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến, chiếm gần 90% lượng đường nhập khẩu của Việt Nam.

Viết Văn
Cafe Khởi nghiệp