Tỷ phú Hồ Hùng Anh ghi nhận tài sản "bốc hơi" 700 triệu USD năm 2022 do cổ phiếu Techcombank (TCB) giảm mạnh, nhưng ngân hàng vẫn có kết quả kinh doanh khá tốt, lương nhân viên cao nhất trong hệ thống.
Tỷ phú Hồ Hùng Anh ghi nhận tài sản "bốc hơi" 700 triệu USD năm 2022 do cổ phiếu Techcombank (TCB) giảm mạnh, nhưng ngân hàng vẫn có kết quả kinh doanh khá tốt, lương nhân viên cao nhất trong hệ thống.
Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank) của Chủ tịch HĐQT Hồ Hùng Anh vừa công bố báo cáo tài chính năm 2022 với kết quả kinh doanh khá ấn tượng, lợi nhuận tăng từ mức hơn 18,4 nghìn tỷ đồng năm 2021 lên trên 20,4 nghìn tỷ đồng.
Tài sản của ngân hàng cũng tăng khá mạnh, thêm 23% lên hơn 699 nghìn tỷ đồng.
Trong năm 2022, Techcombank là một trong các ngân hàng chi trả lương thưởng cho người lao động ở mức rất cao, tổng cộng hơn 6.515 tỷ đồng để trả lương, phụ cấp và thu nhập khác cho nhân viên trên toàn hệ thống.
Bình quân, trong năm 2022, mỗi người lao động tại Techcombank thu nhập 44 triệu đồng/tháng, tương đương 528 triệu đồng trong năm 2022, tăng 2,5% so với năm trước đó. Đây là mức thu nhập trung bình cao nhất trong hệ thống ngân hàng.
Mặc dù ghi nhận kết quả kinh doanh khá tốt trong năm qua, nhưng cổ phiếu Techcombank (TCB) diễn biến không mấy tính cực.
Hôm 3/2/2023, cổ phiếu TCB giảm 900 đồng xuống 27.100 đồng/cp, thấp hơn 50% so với cách đây tròn 1 năm. Tính tới 3/2/2023, tài sản của ông Hồ Hùng Anh, theo Forbes đạt 1,7 tỷ USD, tăng 100 USD so với đầu năm 2023. Tuy nhiên, trong năm 2022, tài sản của ông Hùng Anh giảm 700 triệu USD.
Tài sản bốc hơi khiến ông Hồ Hùng Anh mất vị trí số 1 ngành ngân hàng, xếp sau ông Đỗ Anh Tuấn, cổ đông lớn nhất Ngân hàng Kiên Long (KienLongBank - KLB) cho dù cả cổ phiếu TCB và KLB đều giảm sau những sự kiện xấu trong lĩnh vực trái phiếu và bất động sản.
Tại Việt Nam, tính theo giá trị số lượng cổ phiếu các doanh nhân đang nắm giữ, ông Hồ Hùng Anh đứng ở vị trí thứ 3, xếp sau tỷ phú Phạm Nhật Vượng và ông Đỗ Tuấn Anh, một gương mặt mới - Chủ tịch Sunshine Homes kiêm Phó Tổng giám đốc KienLongBank. Ông Tuấn Anh đang nắm giữ cổ phiếu nhiều doanh nghiệp như KLB, KSF, SCG, SSH trị giá khoảng 27,1 nghìn tỷ đồng.
Cổ phiếu Techcombank của ông Hồ Hùng Anh được kỳ vọng rất lớn sau nhiều năm tăng trưởng bứt phá và duy trì tốc độ tăng khá mạnh. Tuy nhiên, nhóm ngân hàng gần đây chịu áp lực bán ra.
Trên thực tế, ngành ngân hàng vẫn được nhiều công ty chứng khoán đánh giá có triển vọng kết quả kinh doanh tốt trong dài hạn và lợi nhuận trong năm 2022 hầu hết tăng trưởng tốt và ở mức cao.
Trước mắt, các ngân hàng có thể chứng kiến lợi nhuận giảm trong ngắn hạn do lãi suất huy động tăng, trong khi lãi suất cho vay không thể lên quá cao, có thể ảnh hưởng tới cộng động doanh nghiệp và nền kinh tế. Nhiều ngân hàng cũng đối mặt với rủi ro nợ xấu tăng lên khi nhiều doanh nghiệp bất động sản gặp khó khăn, thị trường bất động sản trầm lắng và nợ trái phiếu còn lớn.
Nhiều cổ phiếu ngân hàng khác gần đây cũng chịu áp lực giảm.
Trong top 20 người giàu nhất trên sàn chứng khoán, vẫn còn nhiều các ông chủ ngân hàng, bao gồm: ông Đỗ Anh Tuấn (KLB), Hồ Hùng Anh (TCB), Nguyễn Đăng Quang (MSN), Nguyễn Thị Phương Thảo (HDB), Ngô Chí Dũng (VPB), Hoàng Anh Minh (vợ ông Ngô Chí Dũng, VPB), Vũ Thị Quyên (mẹ ông Ngô Chí Dũng, VPB), Nguyễn Thị Nga (SSB), Nguyễn Thị Thanh Thủy (vợ ông Hồ Hùng Anh, TCB)...