Ngày 8/8, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát hành, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT đã phát đi thông báo cảnh báo về tin giả “bác sĩ rút ống thở của mẹ đẻ để nhường cho sản phụ song sinh”.
Ngày 8/8, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam thuộc Cục Phát hành, Truyền hình và Thông tin điện tử, Bộ TT&TT đã phát đi thông báo cảnh báo về tin giả “bác sĩ rút ống thở của mẹ đẻ để nhường cho sản phụ song sinh”.
Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam cho biết, ngày 7/8, mạng xã hội lan truyền câu chuyện cảm động về một bác sĩ tên Khoa được cho là đã nhường máy thở của mẹ đẻ cho một sản phụ song sinh đang cần máy.
Qua xác minh từ các cơ quan chức năng có liên quan của TP.HCM và một số nguồn thông tin khác, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam khẳng định nội dung thông tin nêu trên là tin giả. Hình ảnh chia sẻ trên mạng xã hội về 2 em bé song sinh được cho là con của sản phụ được nhường máy thở là ảnh cũ, được chỉnh sửa từ ảnh gốc chụp tại bệnh viện Từ Dũ, do tài khoản Facebook Cao Hữu Thỉnh đăng lên vào ngày 21/7, không phải ảnh chụp ngày 7/8 như mạng xã hội chia sẻ.
Theo Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam, một câu chuyện cảm động được nhiều tài khoản Facebook lan truyền, coi bác sĩ Khoa như người truyền cảm hứng nhưng lại là câu chuyện giả dối, làm giảm đi ý nghĩa của những điều tốt đẹp trên thực tế đang được biết bao bác sĩ và các lực lượng phòng chống dịch âm thầm làm.
Trung tâm cũng khuyến cáo cộng đồng mạng, nhất là các phóng viên không chia sẻ trên mạng xã hội nội dung thông tin chưa được kiểm chứng. “Hãy cùng nhau thực hiện tốt Bộ quy tắc ứng xử trên mạng xã hội và quy tắc đạo đức người làm báo khi tham gia mạng xã hội”, Trung tâm xử lý tin giả Việt Nam đề nghị.
Trước đó, để xử lý vấn nạn tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng, ngày 23/7, Bộ TT&TT đã có văn bản gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi tắt là các bộ, tỉnh) về việc thực hiện Nghị quyết 78 phiên họp chuyên đề về phòng chống dịch Covid-19 của Chính phủ và tăng cường xử lý tin giả, tin sai sự thật về Covid-19 trên mạng.
Theo đánh giá của Bộ TT&TT, thời gian qua tình trạng phát tán tin giả, tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh và công tác phòng, chống dịch Covid-19 có dấu hiệu gia tăng.
Tin giả, tin sai sự thật tập trung chủ yếu vào việc kích động vùng miền, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc; tung tin sai sự thật về hiệu quả của các loại vắc xin Covid-19, xuyên tạc chính sách phân bố, cung cấp vắc xin của Chính phủ cũng như việc sử dụng Quỹ vắc xin phòng, chống Covid-19; diễn biến dịch bệnh tại các điểm nóng như TP.HCM và các tỉnh miền Nam; xuyên tạc về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh của Chính phủ và các địa phương... Đáng chú ý, nhiều thông tin có nguồn từ các video clip của những người cách ly, người dân trong khu vực bị giãn cách, phong tỏa.
Theo Bộ TT&TT, việc xuất hiện nhiều thông tin xấu độc cùng số lượng lớn các video clip “tự phát” được phát tán tràn lan trên không gian mạng đã làm giảm niềm tin của người dân vào công tác phòng chống dịch bệnh, gây hoang mang, bức xúc trong dư luận xã hội.
Nếu không xử lý tốt vấn nạn tin giả, tin sai sự thật sẽ dễ phát sinh điểm nóng, ảnh hưởng đến trật tự an toàn xã hội tại địa phương, gây khó khăn cho công tác phòng, chống dịch bệnh của cả nước.