Các nhà phân tích Trung Quốc cho biết, một cuộc khủng hoảng thanh khoản đang hình thành ở một số địa phương tại quốc gia này do nguồn thu ngân sách sụt giảm và việc mua đất diễn ra ồ ạt trong khi Bắc Kinh tăng cường nỗ lực kiểm soát rủi ro nợ nần.
Các nhà phân tích Trung Quốc cho biết, một cuộc khủng hoảng thanh khoản đang hình thành ở một số địa phương tại quốc gia này do nguồn thu ngân sách sụt giảm và việc mua đất diễn ra ồ ạt trong khi Bắc Kinh tăng cường nỗ lực kiểm soát rủi ro nợ nần.
Thâm hụt ngân sách của các chính quyền địa phương ngày càng tăng do chi tiêu gia tăng và nguồn thu từ hoạt động bán đất cũng như thu thuế sụt giảm. Nguyên nhân được cho là một phần bởi chính sách zero-Covid và các động thái hỗ trợ các doanh nghiệp đang chịu áp lực.
Chính quyền khu vực cũng đã bắt đầu tích cực thu hồi đất thông qua các phương tiện tài chính của chính quyền địa phương (LGFV), làm dấy lên lo ngại rằng họ đang sử dụng nợ để thổi phồng nguồn thu của Chính phủ.
LGFV được tạo ra để hỗ trợ tài chính ngoài ngân sách, đặc biệt là chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, nhưng các yêu cầu về công bố thông tin ở Trung Quốc còn lỏng lẻo, điều này làm tăng thêm cảnh giác của người dân đối với rủi ro cái gọi là nợ ẩn.
Bất chấp tình hình tài chính công tại nhiều địa phương, số giao dịch mua đất của các LGFV trong danh sách 100 đơn vị mua đất hàng đầu Trung Quốc đã tăng mạnh trong 9 tháng đầu năm nay lên hơn 200 tỷ Nhân dân tệ (tương đương khoảng 28 tỷ USD), theo hãng phân tích bất động sản CRIC.
“Chúng tôi tin rằng việc thu hồi đất của LGFV là nhằm mục đích giảm thiểu sự sụt giảm doanh thu bán đất, ít nhất là trên giấy tờ. Nguồn thu liên quan đến bất động sản là nguồn thu nhập chính của chính quyền địa phương, chiếm khoảng 30% nguồn thu ngân sách của họ trước năm 2021,” nhà phân tích tín dụng Laura Li của S&P Global Ratings cho biết trong một báo cáo nghiên cứu hôm thứ Hai.
Vị chuyên gia bổ sung: “Tuy nhiên, những thứ không bền vững thì không thể kéo dài. Theo quan điểm của chúng tôi, việc LGFV mua đất có thể gia tăng căng thẳng dòng tiền và tăng tỷ lệ đòn bẩy của chính quyền các địa phương, đặc biệt là nếu đất nằm im và không có khả năng sinh lời”.
Theo S&P Global Ratings, tại thành phố Vô Tích ở phía đông tỉnh Giang Tô, LGFV đã chiếm 65% trong số 48 lô đất được bán trong 9 tháng đầu năm 2022, chiếm tổng cộng 29,7 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 4,2 tỷ USD) trong số tổng doanh thu 44 tỷ USD của thành phố từ việc bán đất.
S&P cho biết một LGFV ở Vô Tích đã chi tương đương 39% tổng tài sản của mình để mua đất.
Các nhà phân tích tin rằng việc mua đất gần đây của một số chính quyền địa phương đã khiến Bộ Tài chính Trung Quốc công bố một chỉ thị vào tháng trước rằng, yêu cầu chính quyền khu vực chấm dứt “lạm phát giả tạo từ doanh thu nhượng đất của họ”, đồng thời nhắc lại rằng LGFV không nên sử dụng nợ để tài trợ cho việc mua đất .
“Chúng tôi nhận định doanh thu chuyển nhượng đất giảm nhanh chóng có thể đã khuyến khích hoạt động này, vốn đã gây căng thẳng đáng kể cho tình hình tài chính của nhiều chính quyền địa phương và khu vực, đồng thời làm gia tăng tình trạng thâm hụt vốn,” Fitch Ratings cho biết vào tuần trước.
Bộ Tài chính đã yêu cầu các công ty công và LGFV không có ý định phát triển đất sẽ không được mua các lô đất nữa. Song, những công ty có “nhu cầu hoạt động hợp pháp” có thể tiếp tục tham gia đấu giá.
Nhưng Fitch Ratings cho biết thêm, “nhu cầu hoạt động hợp pháp” có thể được diễn giải theo nhiều hướng khác nhau vì các nhà chức trách chưa cung cấp một định nghĩa công khai nào về cụm từ trên.
Ngoài ra, triển vọng tài chính của chính quyền địa phương cũng có khả năng xấu đi, theo hai báo cáo trong tháng này của Viện Tài chính và Phát triển Quốc gia (NFID) - một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Bắc Kinh.
Xem thêm: Giá nhà mới của Trung Quốc giảm mạnh nhất trong 7 năm vào tháng 10
Theo NFID, doanh thu từ việc bán đất đã giảm mạnh trong quý III/2022 và trong số 31 khu vực pháp lý cấp tỉnh của Trung Quốc đại lục, chỉ có tỉnh Cam Túc phía tây bắc ghi nhận mức tăng trưởng.
Đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 đã tác động tiêu cực đến cả thu và chi tài khóa, gây áp lực lớn lên chính quyền các địa phương trong việc duy trì các khoản chi tiêu cần thiết.
NFID cho biết, ngay cả nguồn thu của các khu vực giàu có, bao gồm cả Quảng Đông và Thượng Hải, cũng đang chịu áp lực khi ngân sách của Thượng Hải chuyển từ thặng dư sang thâm hụt vào tháng 9.
Tổ chức tư vấn cho biết, Bộ Tài chính đã tăng cường giám sát nợ kể từ đầu năm, nhưng do tăng chi tiêu để ổn định việc làm và kiểm soát sự lây lan của dịch bệnh nên chính quyền địa phương phải rơi vào tình trạng khó khăn tài chính.
Doanh thu bán đất của toàn Trung Quốc từ tháng 1 đến tháng 9 đạt 3,85 nghìn tỷ Nhân dân tệ (tương đương 544 tỷ USD). Tuy nhiên, dựa theo ước tính doanh thu bán đất năm 2021 là 8,7 nghìn tỷ nhân dân tệ, ngân sách năm nay của chính quyền các tỉnh chỉ đạt khoảng 45%.
“Ước tính, khối nợ ẩn của chính quyền các địa phương hiện vào khoảng 30 đến 50 nghìn tỷ nhân dân tệ - giảm đáng kể kể từ khi Bắc Kinh triển khai các biện pháp kiểm soát đòn bẩy vào năm 2017”, NFID cho hay.
Tháng trước, Sinolink Securities cho biết tài trợ ròng dưới hình thức trái phiếu LGFV tại các thị trường niêm yết trong ba quý đầu năm đã giảm hơn 30% so với cùng kỳ năm ngoái.
Các tỉnh phía tây, chẳng hạn như khu tự trị Choang Quảng Tây, khu tự trị Nội Mông và Cam Túc cũng như thành phố phía bắc Thiên Tân tiếp tục bị thiếu hụt tài chính ròng trên thị trường niêm yết, công ty tư vấn Sinolink Securities cho biết thêm.
Cơ quan này cho biết thêm: “Một số khu vực có áp lực thanh toán nợ cao, phụ thuộc nhiều vào nguồn thu từ đất và có dòng tiền suy giảm có thể chịu rủi ro cao hơn. Hoạt động mua bán đất ngày càng xấu đi sẽ càng làm gia tăng áp lực nợ nần, đặc biệt là ở những tỉnh, thành phố phụ thuộc nặng nề vào đất đai”.
Xem thêm: Các nhà máy Trung Quốc vật lộn để tồn tại