Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/9/2021 đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/9/2021 đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, bằng chính sách mở cửa, ưu đãi và môi trường kinh doanh hấp dẫn, trong những năm qua, Việt Nam đã thu hút được một số lượng lớn dự án và nguồn vốn FDI. Tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào Việt Nam tính đến 20/9/2021 đạt 22,15 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn đăng ký cấp mới có 1.212 dự án được cấp phép với số vốn đăng ký đạt 12,5 tỷ USD, giảm 37,8% về số dự án và tăng 20,6% về số vốn đăng ký so với cùng kỳ năm trước; vốn đăng ký điều chỉnh có 678 lượt dự án đã cấp phép từ các năm trước đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư tăng thêm 6,43 tỷ USD, tăng 25,6%; vốn đăng ký góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 2.830 lượt với tổng giá trị góp vốn 3,22 tỷ USD, giảm 43,8%. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam ước tính đạt 13,28 tỷ USD, giảm 3,5%.
Cũng theo Tổng cục Thống kê, trong 9 tháng năm 2021, có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore là quốc gia dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt 6,28 tỷ USD, chiếm 28,4% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam; Hàn Quốc đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 3,91 tỷ USD chiếm 17,7% tổng vốn đầu tư. Nhật Bản đứng thứ 3 đạt 3,27 tỷ USD, chiếm 14,7% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo là Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan, Hà Lan, Hoa Kỳ,….
Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 58 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 9 tháng năm 2021. Long An dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt 3,64 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn. Hải Phòng đứng thứ 2 đạt 2,7 tỷ USD, chiếm 12,2%. TP. Hồ Chí Minh đứng thứ 3 với 2,35 tỷ USD, chiếm 10,6%. Tiếp theo lần lượt là Bình Dương, Cần Thơ, Quảng Ninh, Hà Nội…
Một số dự án lớn đầu tư trong 9 tháng năm nay như: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II (Singapore), tổng vốn đăng ký trên 3,1 tỷ USD với mục tiêu truyền tải và phân phối điện, sản xuất điện tại Long An; Dự án LG Display Hải Phòng (Hàn Quốc), điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,15 tỷ USD (trong đó điều chỉnh tăng 1,4 tỷ USD ngày 30/8/2021 và tăng 750 triệu USD ngày 04/02/2021); Dự án Nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Nhật Bản), tổng vốn đăng ký trên 1,31 tỷ USD.
“Những thành tích trong thu hút FDI của Việt Nam trong 9 tháng năm 2021 là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên vẫn còn một số những hạn chế nhất định. Nhiều địa phương vẫn còn dễ dãi trong việc chấp nhận khá nhiều dự án FDI quy mô nhỏ, không mang lại hiệu quả cho địa phương về tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách”, Tổng cục Thống kê cho biết.
Một số địa phương còn có tình trạng cấp đất quá lớn cho dự án FDI mà không căn cứ vào quy hoạch của địa phương… Bên cạnh đó, chính sách ưu đãi đầu tư cũng còn nhiều bất cập, vẫn chủ yếu dựa vào ưu đãi thuế, giá thuê đất, chi phí nguyên liệu trong khi chưa tương xứng với hiệu quả mà các dự án FDI mang lại.
Đưa ra một số giải pháp nhằm thu hút vốn đầu tư FDI, Tổng cục Thống kê cho biết, để thu hút được đầu tư từ các tập đoàn xuyên quốc gia, nhất là từ những nước phát triển như: Mỹ và khối EU, ngoài những vấn đề liên quan đến môi trường đầu tư nói chung, Việt Nam cần chú trọng quan tâm đến đòi hỏi của những nhà đầu tư về một số khía cạnh như: Tính công khai, minh bạch, ổn định, dễ dự báo về thể chế, chính sách và luật pháp; thực thi pháp luật nghiêm minh, thống nhất, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư; thủ tục hành chính đơn giản, bảo đảm thời gian đã quy định.
Cùng với đó, đối với các địa phương đã phát triển đang cần thu hút dự án công nghệ cao, công nghệ tương lai, dịch vụ hiện đại; Chú trọng đến việc đáp ứng yêu cầu của các tập đoàn xuyên quốc gia về thời gian đàm phán, ký thỏa thuận và triển khai thực hiện.
Theo Tổng cục Thống kê, các doanh nghiệp trong nước phải nỗ lực nâng cao năng lực về tất cả các mặt, từ công nghệ đến năng lực, trình độ của đội ngũ người lao động, quản lý. Chỉ khi đó, các doanh nghiệp FDI mới tìm đến đặt hàng và hỗ trợ hoàn thiện quy trình sản xuất đáp ứng yêu cầu của họ.
Rà soát lại việc sử dụng FDI hiện tại để có kế hoạch điều chỉnh, cơ cấu lại hợp lý; Ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược; tạo lập chuỗi sản xuất toàn cầu; ưu tiên doanh nghiệp công nghệ cao và chuyển giao công nghệ cho doanh nghiệp Việt Nam.
Ngoài ra, kiểm soát chặt chẽ những dự án đầu tư không phù hợp với nhu cầu phát triển của Việt Nam hoặc những lĩnh vực mà doanh nghiệp trong nước đủ năng lực về công nghệ.