Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bóc gỡ đường dây thu thập, tàng trữ, mua bán thông tin về tài khoản ngân hàng.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa vừa bóc gỡ đường dây thu thập, tàng trữ, mua bán thông tin về tài khoản ngân hàng.
Các đối tượng bị bắt giữ, gồm: Nguyễn Văn Dũng, sinh năm 1992; Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1993 và Trịnh Văn Tiến, sinh năm 1998 đều ở xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa.
Trước đó, qua công tác nắm tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động sử dụng không gian mạng, thiết bị công nghệ cao, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã phát hiện có nhiều đối tượng mua bán các thông tin cá nhân của người khác để đăng ký mở tài khoản tại một ngân hàng thương mại cổ phần để được hưởng các chương trình khuyến mại bằng tiền tại các tài khoản này với tổng số tiền lên đến hàng trăm triệu đồng.
Bằng các biện pháp nghiệp vụ, điều tra truy xét, Phòng Cảnh sát hình sự đã nhanh chóng xác minh làm rõ 3 đối tượng: Nguyễn Văn Dũng, Nguyễn Văn Hùng và Trịnh Văn Tiến đều ở xã Thiệu Thành, huyện Thiệu Hóa là những người có liên quan trực tiếp đến các hoạt động giao dịch trên nên đã triệu tập đến cơ quan Công an để làm rõ.
Khám xét khẩn cấp chỗ ở của các đối tượng, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã thu giữ nhiều thẻ sim điện thoại, thẻ ATM ngân hàng của các đối tượng tại nhiều ngân hàng khác nhau cùng nhiều tang vật, tài liệu có liên quan…
Hiện Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Trịnh Văn Tiến; áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Nguyễn Văn Dũng và Nguyễn Văn Hùng về hành vi thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng để tiếp tục điều tra, mở rộng vụ án này.
Chia sẻ về những nguyên nhân dẫn tới loại tội phạm này, Thượng tá Nguyễn Xuân Toán, Phó trưởng Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay, việc trao đổi, mua bán trái phép thông tin tài khoản ngân hàng đang diễn ra rất phức tạp, gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực. Nhiều đối tượng sử dụng tài khoản ngân hàng mang tên người khác vào việc thanh khoản cho các hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc làm cổng thanh toán cho các trò chơi trực tuyến trái phép. Bên cạnh đó, công tác quản lý Nhà nước về dịch vụ mở tài khoản ngân hàng còn khá hạn chế, từ đó thành kẽ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động...
Để thực hiện trót lọt các hành vi phạm tội, các đối tượng thường thực hiện nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như lợi dụng danh nghĩa nhân viên ngân hàng đang làm chỉ tiêu mở tài khoản thẻ ATM để vận động học sinh, sinh viên hoặc những người lao động có thu nhập thấp, hiểu biết hạn chế về pháp luật mở tài khoản miễn phí hoặc mức phí thấp. Sau đó thỏa thuận mua hoặc thuê lại của chủ tài khoản và quản lý hệ thống tài khoản ngân hàng bằng ứng dụng tự lập trình. Thực hiện các thủ thuật ẩn danh trên môi trường không gian mạng nhằm che giấu hành vi phạm tội, gây khó khăn cho công tác điều tra, xác minh, xử lý của lực lượng công an…
Để hạn chế tình trạng này, các cơ quan có thẩm quyền cần siết chặt hoạt động quản lý tài khoản ngân hàng và tài khoản tín dụng có chức năng thanh toán; tăng chế tài xử phạt về hành chính cũng như hình sự đối với loại tội phạm này. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao ý thức trong việc mở tài khoản ngân hàng và quản lý các thông tin liên quan; hạn chế chia sẻ các thông tin cá nhân như căn cước công dân, số điện thoại lên mạng xã hội; không nên mở quá nhiều tài khoản ngân hàng với mục đích mua bán, trao đổi, cho tặng.
Đối với các bạn trẻ vừa được cấp căn cước công dân hoặc chứng minh thư chỉ nên mở tài khoản ngân hàng khi thật sự cần thiết; tuyệt đối không nghe người khác vận động, khuyến khích mở tài khoản, vì như vậy rất dễ tiếp tay cho các hành vi phạm tội. Các tài khoản ngân hàng phải được đăng ký bằng sim số điện thoại chính chủ để tăng tính bảo mật, đồng thời khiến các đối tượng xấu không có cơ hội trục lợi.