Theo dự báo, FED có thể quyết định tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % tại cuộc họp lần này, trong bối cảnh lạm phát Mỹ đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm qua.
Theo dự báo, FED có thể quyết định tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % tại cuộc họp lần này, trong bối cảnh lạm phát Mỹ đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm qua.
Đêm qua theo giờ Việt Nam, Ủy ban Thị trường mở Liên bang, cơ quan hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã bắt đầu ngày họp đầu tiên. Đây là một trong những sự kiện kinh tế được quan tâm nhất trong tuần này.
Ngày mai (5/5), FED phải công bố bước đi lãi suất tiếp theo của họ. FED đã bỏ qua cuộc họp tháng 4 như một cách để giảm nhiệt cho thị trường, nhưng giảm về nhịp, chưa chắc giảm về mức tăng.
Trang Marketwatch viết: "FED tăng nửa điểm % trong cuộc họp lần này đã rõ như ban ngày". Ngân hàng này cũng có thể thông báo chương trình thắt chặt định lượng bằng điều chỉnh bảng cân đối kế toán, sớm thu về 95 tỷ USD mỗi tháng.
Bằng chứng cho dự báo này, theo các nhà kinh tế học, tuần trước chính Chủ tịch FED nói trong một cuộc họp tại Quỹ Tiền tệ Quốc tế rằng phương án tăng 0,5 điểm % đã được đặt lên bàn cho cuộc họp tháng 5.
Tăng 0,5 điểm % nghĩa là tăng gấp 2 lần lần trước. Đây là điều hơi bất thường với FED. Lần cuối cùng ngân hàng này làm như vậy là năm 2000. Còn tăng liên tục trong các cuộc họp là từ năm 2006.
Nhật báo phố Wall bình: "Lần này FED vội rồi. Họ phải rút cả gói hỗ trợ kinh tế vì lạm phát đã tới 6,6% trong tháng 3". Chuyên gia kinh tế tại Grant Thornton nhận định: "FED không còn kiểu đợi cho sơn khô nữa. Họ buộc phải làm 2 việc cùng lúc là tăng lãi suất và thắt chặt gói hỗ trợ, nhưng không ai chắc về tác động của thắt chặt tiền tệ tới tăng trưởng và các thị trường. Chính điều này cũng làm khó cho FED trong tính toán tăng lãi suất bao nhiêu là đủ để hạ nhiệt lạm phát mà không ảnh hưởng xấu tới tăng trưởng kinh tế.
Trang tài chính của CNN cho rằng, năm 2021 FED đã bỏ qua cảnh báo của các chuyên gia kinh tế để chính sách tiền tệ quá lỏng trong một thời gian dài, nên nếu bây giờ "phanh gấp" sẽ tạo nên cú "hạ cánh cứng" đối với nền kinh tế.
Hạ cánh cứng, theo CNBC, là nguy cơ có thể xảy ra suy thoái. Cựu Phó Chủ tịch FED Roger Ferguson cho rằng: "Nguy cơ suy thoái kinh tế giai đoạn này là điều gần như khó tránh". Tuy nhiên theo ông này, nếu chẳng may xảy ra sẽ là năm 2023 và hy vọng sẽ là cuộc suy thoái nhẹ với kinh tế Mỹ.
Tuy nhiên, tất cả mới chỉ là dự báo, cả mức tăng nửa điểm phần trăm lẫn khả năng suy thoái. Thị trường đang chờ đợi xem sau cuộc họp này, Chủ tịch FED Jerome Powell sẽ giải thích như thế nào về tác động của bước đi mới đối với lạm phát và tăng trưởng kinh tế, bởi chắc chắn, FED cũng đã biết nếu họ phanh gấp 1 "chiếc bus chính sách" ở khúc cua sẽ xảy ra điều gì.
Phố Wall thận trọng chờ kết quả cuộc họp của FED
Trong khi chờ đợi kết quả chính thức từ cuộc họp, thị trường chứng khoán Mỹ đã có một phiên giao dịch thận trọng của của các nhà đầu tư.
Kết thúc phiên giao dịch ngày thứ Ba (3/5) trên sàn chứng khoán New York, cả 3 chỉ số chính đều tăng điểm nhẹ. Trong đó mức tăng cao nhất thuộc về chỉ số S&P 500 với gần 0,5%, lên 4.175 điểm khi chốt phiên. Chỉ số Dow Jones và Nasdaq tăng nhẹ quanh mức 0,2%. Những diễn biến này cũng tương tự như phiên giao dịch ngày thứ Hai (2/5).
Theo các chuyên gia, đây là thời điểm các nhà đầu tư phố Wall đang thận trọng để chờ đợi kết quả chính thức từ cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ được công bố vào ngày mai (5/5).
Trong bối cảnh lạm phát Mỹ đang ở mức cao nhất trong hơn 40 năm qua, dự báo FED có thể quyết định tăng lãi suất thêm 0,5 điểm % tại cuộc họp lần này. Kế hoạch cụ thể để cắt giảm lượng trái phiếu nắm giữ trên bảng cân đối kế toán dự kiến cũng sẽ được công bố.
Với những chính sách thắt chặt tiền tệ và khả năng tăng trưởng chậm lại của kinh tế Mỹ, bảo toàn vốn đang là mục tiêu chính của các nhà đầu tư trong thời điểm này.
Trên sàn giao dịch hàng hóa cũng chứng kiến những diễn biến tương tự, chốt phiên, giá vàng gần như đi ngang khi khả năng FED tăng lãi suất sẽ khiến kênh đầu tư này trở nên kém hấp dẫn hơn.
Theo các chuyên gia, tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát sẽ là một trong những mục tiêu chính của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ trong năm 2022. Nếu lãi suất được tăng thêm nửa điểm % trong cuộc họp này, đây sẽ là lần thứ 2 FED thực hiện một bước nhảy lãi suất cao như vậy kể từ năm 2000 đến nay.