Trong vòng 24h qua, thế giới ghi nhận hơn 693.000 ca bệnh COVID-19 và hơn 8.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã gần 142 triệu ca, trong đó trên 3 triệu ca tử vong.
Trong vòng 24h qua, thế giới ghi nhận hơn 693.000 ca bệnh COVID-19 và hơn 8.600 ca tử vong. Tổng số ca bệnh từ đầu dịch tới nay đã gần 142 triệu ca, trong đó trên 3 triệu ca tử vong.
Ba nước có số ca mắc cao nhất thế giới là Mỹ (32,4 triệu ca mắc, 581 nghìn ca tử vong); Ấn Độ (15,1 triệu ca mắc, 178 nghìn ca tử vong) và Brazil (14 triệu ca mắc, 373 nghìn ca tử vong).
Ấn Độ đang trải qua những ngày đen tối nhất của đại dịch COVID-19 kể từ khi phát hiện ca nhiễm đầu tiên, với trung bình hơn 200.000 ca mới mỗi ngày. Trong 7 ngày qua, Ấn Độ ghi nhận tổng cộng hơn 1,5 triệu ca nhiễm mới, tăng 63% so với tuần trước đó.
Khu vực châu Âu, Pháp đã thắt chặt các hạn chế về đường hàng không. Cụ thể quốc gia này sẽ áp đặt lệnh cách ly 10 ngày đối với tất cả những công dân đến từ Argentina, Brazil, Chile và Nam Phi có liên quan tới các biến thể của virus SARS-CoV-2. Những người không thực hiện lệnh cách ly sẽ phải đối diện với các án phạt. Tại Đức, bối cảnh tình hình dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. Theo số liệu của Viện Robert Koch (RKI), tỷ lệ lây nhiễm tại Pháp trong 7 ngày qua là 162,3/100.000 dân.
Bộ trưởng Kinh tế liên bang Đức Peter Altmaier cảnh báo lệnh giới nghiêm phòng dịch COVID-19 nên được áp dụng nhất quán và triệt để trên phạm vi toàn quốc, nếu không Đức sẽ có thêm hàng chục nghìn ca tử vong vì căn bệnh này.
Tại Đông Nam Á, số người mắc COVID-19 tại Campuchia trong những ngày gần đây có xu hướng gia tăng bất chấp hàng loạt các biện pháp phòng chống dịch bệnh quyết liệt của chính quyền. Chiều ngày 19/4, Bộ Y tế Campuchia thông báo phát hiện thêm 624 ca bệnh mới dương tính với virus SARS-CoV-2, trong đó tất cả đều là các trường hợp lây nhiễm trong cộng đồng.
Chính quyền Phnom Penh đã quyết định đóng cửa thêm một loạt chợ dân sinh tại thủ đô sau khi phát hiện nhiều ca bệnh mới liên quan đến các chợ này. Như vậy, đến nay đã có hàng chục chợ cung cấp thực phẩm lớn, gồm cả chợ đầu mối tại Phnom Penh bị buộc phải đóng cửa, điều này khiến việc tiếp cận nhu yếu phẩm của người dân trở nên khó khăn hơn trong điều kiện cả thành phố đang bị phong tỏa hoàn toàn.
Chính phủ Campuchia hiện đã phải mở kho dự trữ lương thực quốc gia để bình ổn giá và đảm bảo cung ứng đủ lương thực cho người dân vùng dịch. Bên cạnh đó, Ủy ban Quốc gia quản lý và thực thi lệnh phong tỏa Campuchia cũng đã phải triển khai một ứng dụng trực tuyến để các hộ dân bị thiếu đói đăng ký được nhận hỗ trợ lương thực trong những ngày tới.
Trong khi đó, tại Thái Lan, hệ thống y tế đang có nguy cơ quá tải trong bối cảnh số lượng ca nhiễm mới COVID-19 tăng lên trong làn sóng thứ 3. Một số người dân nước này đã lên mạng xã hội để kêu gọi tìm giường bệnh cho gia đình và bạn bè. Tuy nhiên, Chính phủ Thái Lan khẳng định rằng các bệnh viện có đủ giường cho các bệnh nhân COVID-19, đồng thời kêu gọi người dân không kén chọn và yêu cầu được điều trị tại các bệnh viện có dịch vụ cao.
Tại Việt Nam, trong 12 giờ qua không ghi nhận thêm ca bệnh COVID-19 nào. Chiều qua, có 6 ca mắc mới được công bố, nâng tổng số ca bệnh COVID-19 ở Việt Nam lên con số 2.791, trong đó có 35 người tử vong và 2.475 trường hợp đã được chữa khỏi bệnh.
Về tình hình tiêm vắc xin ở Việt Nam, đã có thêm 3.812 người được tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trong ngày 19/04/2021. Như vậy, tính đến 16 giờ ngày 19/04/2021, tổng cộng đã thực hiện tiêm vắc xin phòng COVID-19 đợt 1 và 2 tại 22 tỉnh/TP cho 80.857 người là cán bộ, nhân viên y tế đang trực tiếp điều trị bệnh nhân COVID-19, các nhân viên y tế thực hiện các nhiệm vụ như lấy mẫu bệnh phẩm, xét nghiệm, truy vết, thành viên các tổ COVID-19 cộng đồng, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch, công an, bộ đội.
Theo PGS.TS Đào Xuân Cơ - Phó Giám đốc BV Bạch Mai, Tổng Thư ký Hội Hồi sức cấp cứu và chống độc Việt Nam, điều trị rối loạn đông máu sau tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 (phản ứng cực kỳ hiếm gặp) cũng giống như các rối loạn đông máu thông thường. Với hệ thống khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) được Bộ Y tế triển khai tới 1.500 điểm tại 63 tỉnh, thành trong cả nước thời gian qua, các chuyên gia đầu ngành có thể hướng dẫn tuyến dưới xử lý nhanh chóng và hiệu quả.