Tại sao Phố Wall ‘nháo nhào’ khi lợi suất trái phiếu tăng vọt?

Thứ sáu, 26/02/2021 | 16:26 Theo dõi CFĐT trên

Giới đầu tư cổ phiếu ở Phố Wall nỗ lực đi tìm lời giải cho câu hỏi lợi suất trái phiếu tăng vọt sẽ ảnh hưởng như thế nào tới thị trường chứng khoán?

Tại sao Phố Wall ‘nháo nhào’ khi lợi suất trái phiếu tăng vọt?
Tại sao Phố Wall ‘nháo nhào’ khi lợi suất trái phiếu tăng vọt?

Lợi suất trái phiếu không ngừng tăng

Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ thấp tạo sự hỗ trợ quan trọng cho Phố Wall kể từ cú sốc do Covid-19 tạo ra cho năm 2020. Tuy nhiên, với kỳ vọng việc lạm phát tăng thì lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ cũng được thúc đẩy.

Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm trong tuần này có lúc chạm 1,3%, cao nhất kể từ tháng 2/2020, tăng từ mức 0,9% hồi đầu năm. Tháng 2 là một trong những tháng có lợi suất trái phiếu tăng mạnh nhất kể từ năm 2018.

Từ hôm 10/2 đến nay, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm (không tính đến yếu tố lạm phát) đã tăng từ 1,13% lên những 1,61%, tương ứng tăng 48 điểm cơ bản và đạt mức cao nhất trong 1 năm.

Lạm phát chính là ‘khắc tinh’ của trái phiếu

Lợi suất trái phiếu tăng vọt phản ánh kỳ vọng lạm phát tăng. Nỗi lo về lạm phát khiến các nhà đầu tư bắt đầu tính đến khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể dịch chuyển chính sách này sớm hơn dự kiến bằng cách cắt giảm chương trình mua trái phiếu hoặc thậm nâng lãi suất vào một thời điểm nào đó.

Những sự thay đổi này đều ảnh hưởng tiêu cực đến giá cổ phiếu. Trong phiên giao dịch ngày 25/2, chỉ số Dow Jones đã sụt giảm tới 559 điểm, đánh dấu phiên giảm mạnh nhất trong 1 tháng.

Theo chuyên gia Peter Tchir của Academy Securities, đợt tăng gần đây của lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm phản ánh quan điểm về lạm phát tuy nhiên quan điểm đó chưa chắc sẽ là sự thật.

Nhà phân tích Tchir cũng lưu ý rằng Chủ tịch Fed, ông Jerome Powell đã bác bỏ ý tưởng cho rằng lạm phát đang có chiều hướng tăng mạnh. Trong hai phiên điều trần vào tuần này, ông Powell đều nói những dấu hiệu quan trọng của lạm phát leo thang đều chưa hiện hữu trong thế giới thực và nếu có thì sự gia tăng đó sẽ chỉ là mang tính tạm thời.

Chiến lược gia Hans Mikkelsen thuộc Bank of America có sự khác biệt quan điểm với ông Tchir. Ông Hans Mikkelsen nhất trí với ông Peter Tchir về phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng cho rằng sự phục hồi đó sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn nhiều so với dự kiến và sẽ đẩy lạm phát tăng lên cao.

Một báo cáo của Cornerstone Macro cho biết, trong phiên điều trần, Chủ tịch Fed tuyệt nhiên không đưa ra một tín hiệu nào rằng Fed đang nghĩ đến việc thay đổi lập trường chính sách tiền tệ đang rất mềm mỏng. Dù Chủ tịch Fed có nói gì thì các diễn biến trên thị trường toàn cầu đều cho thấy giới đầu tư đang "nháo nhào" bởi kỳ vọng lạm phát tăng.

TTCK Mỹ gần đây đã có những phiên "run rẩy" khi lợi suất trái phiếu lập đỉnh, giá tiền điện tử Bitcoin sụt giá. Trái lại, giá hàng hóa cơ bản - một lớp tài sản thường được xem như công cụ tốt để chống lại lạm phát đã tăng lên mức cao nhất trong khoảng 8 năm trở lại đây. Giới đầu tư đang mạnh tay gom mua tất cả mọi thứ từ dầu lửa cho đến ngô với niềm tin vào sự bùng nổ của nhu cầu tiêu thụ hàng hàng hóa cơ bản.

Áp lực lạm phát tăng mạnh có thể xóa bỏ phần doanh thu tăng thêm bởi chi phí đầu vào tăng theo sẽ ảnh hưởng lợi nhuận. Lãi suất tăng còn giảm giá trị hiện tại của những dòng tiền trong tương lai của công ty làm kìm hãm giá trị cổ phiếu.

Các nhà phân tích tại Goldman Sachs gần đây đã tính toán dựa trên dữ liệu lịch sử rằng lãi suất cần tăng lên 0,36 điểm phần trăm mỗi tháng để Phố Wall lung lay. Một lý do khiến giới đầu tư ở Phố Wall bán mạnh cổ phiếu khi lợi suất tăng, đó là giá cổ phiếu đã tăng quá cao, do vậy chỉ cần lợi suất nhích lên là các nhà đầu tư và nhất là những người nắm giữ cổ phiếu công nghệ có lý do để chốt lời.

Ngọc Hà
Cafe Khởi nghiệp