Tình trạng thiếu hụt container rỗng đã làm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải khốn đốn. Một trong số lý do chính là vì các doanh nghiệp Việt không thể tự sản xuất container mà phải phụ thuộc vào nước ngoài.
Tình trạng thiếu hụt container rỗng đã làm nhiều doanh nghiệp xuất khẩu phải khốn đốn. Một trong số lý do chính là vì các doanh nghiệp Việt không thể tự sản xuất container mà phải phụ thuộc vào nước ngoài.
Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc khan hiếm container theo Bộ Công Thương là do năng lực tiếp nhận, quản lý container rỗng của các doanh nghiệp Việt Nam hiện còn nhiều hạn chế và không có bãi tập kết container rỗng đủ lớn.
Bộ Công Thương cũng nhận định rằng Việt Nam hiện nay có rất ít các đơn vị kinh doanh đóng mới và sửa chữa container. Đặc biệt là với các container chuyên dùng, Việt Nam phải phụ thuộc vào lượng container của các hãng tàu nước ngoài.
Ông Tuấn, Giám đốc Công ty Lisotecs, một đơn vị chuyên sản xuất container cho biết, những năm trước đây, đã có một số nhà máy công nghiệp lớn đóng container tại Việt Nam phục vụ cho xuất khẩu nhưng hiện nay các nhà máy này đã ngừng hoạt động hoặc thu hẹp lại quy mô sản xuất.
Lý do là nguồn nguyên liệu thép làm để container chịu phụ thuộc từ nhập khẩu, trong khi chi phí nguyên liệu đã chiếm tới 75%-80%. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt chỉ đóng nhỏ lẻ container nên số lượng đủ không nhiều, nguyên liệu lại không chủ động nên lợi nhuận vô cùng hạn chế.
“Dù Việt Nam có sản xuất được container rỗng cũng khó có thể cạnh tranh lại ngành sản xuất container khổng lồ mà giá lại rẻ từ Trung Quốc. Đó là lý do mà một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam dù có thể sản xuất nhưng lại phải ngưng hoạt động trong lĩnh vực này” - ông Tuấn chia sẻ.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu thuộc Bộ Công Thương, ông Trần Thanh Hải nhận xét, doanh nghiệp Việt Nam có thể đóng mới container, tuy nhiên có nhiều lý do để các đơn vị này không mặn mà tham gia sản xuất. Bởi lẽ container là mặt hàng tương đối đặc thù, nếu muốn làm phải có đơn hàng cam kết với số lượng nhất định và đều đặn.
Hơn nữa, để sản xuất container, doanh nghiệp sẽ cần số vốn lớn để đầu tư cho nhà xưởng, máy móc, nguyên liệu và nhân công. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt trong lĩnh vực này hiện đều là quy mô nhỏ, không có vốn để đầu tư mở rộng sản xuất. Vậy nên họ buộc phải chấp nhận việc cải tạo, sửa chữa container và sản xuất thêm những mặt hàng cơ khí khác như rơmoóc, sơmi rơmoóc để tồn tại.
Ông Trần Thanh Hải cũng cho biết thêm về các nhà sản xuất từ Trung Quốc hiện đang đảm nhiệm phần lớn lượng cung ứng container trên toàn cầu. Chỉ có khoảng 6 công ty Trung Quốc đã bao trọn 90% sản lượng container sản xuất trên toàn cầu.
“Đã có nhiều quốc gia muốn chen chân vào lĩnh vực sản xuất container và hoàn toàn đủ năng lực để sản xuất container rỗng. Tuy nhiên, những quốc gia này lo không cạnh tranh nổi với Trung Quốc. Giá bán của một container mới trên thị trường là 1.500 USD, trong khi container mới của Trung Quốc sản xuất giá lại rẻ hơn gần một nửa” - ông Hải dẫn chứng.