Chuyển đổi số sẽ trở thành yếu tố quyết định sống còn của doanh nghiệp

Thứ năm, 17/12/2020 | 10:19 Theo dõi CFĐT trên

Năm 2020 được coi là năm chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam, cũng là năm khởi động mạnh mẽ để tiến tới một "Việt Nam số". Đây là xu hướng tất yếu, các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi nhận thức, lên kế hoạch và triển khai chuyển đổi số sớm nhất có thể.

Sáng 16/12, Hiệp hội Internet Việt Nam đã tổ chức lễ khai mạc Ngày Internet Việt Nam (Internet day 2020). Đây là một trong những sự kiện lớn nhất trong năm về lĩnh vực Internet. 

chuyen-doi-so-viet-nam-1
Lễ Khai Mạc ngày Internet Việt Nam 2020

Phát biểu tại phiên khai mạc, ông Nguyễn Huy Dũng - Thứ trưởng Bộ TT&TT cho biết, cách đây hơn 20 năm, khi Việt Nam lần đầu tiên kết nối Internet, chúng ta đã đặt những dấu chân số đầu tiên trên không gian mạng. Kể từ đó đến nay, Internet đã có những đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung của đất nước.

Năm 2020 là một năm đầy biến động của nền kinh tế toàn thế giới, hầu hết các ngành kinh tế đều bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19. Tuy nhiên đây lại là cơ hội để kinh tế Internet phát triển. Bên cạnh đó, sự dịch chuyển, chuyển đổi sang môi trường số không còn chỉ là cần thiết mà đã trở thành vấn đề sống còn đối với các doanh nghiệp và tổ chức trong đại dịch.

Theo báo cáo e-Conomy của Google, đại dịch Covid-19 đã trở thành tác nhân thúc đẩy sự tăng vọt số người dùng mới các dịch vụ số tại Việt Nam và nhiều quốc gia Đông Nam Á. Số lượng người dùng mới các dịch vụ số của Việt Nam trong năm qua đã tăng trưởng 41%, cao nhất trong khu vực. 

Tổng doanh thu của nền kinh tế Internet Việt Nam trong năm 2020 đạt hơn 14 tỷ USD. Trong đó, thương mại điện tử chiếm tỷ trọng cao nhất, chiếm khoảng 7 tỷ USD, tiếp đó là truyền thông trực tuyến (3,3 tỷ USD), vận tải và thực phẩm (1,6 tỷ USD). 

Qua đó, năm 2020 được coi là năm chuyển đổi số quốc gia tại Việt Nam, cũng là năm khởi động mạnh mẽ chuyển đổi số để tiến tới một Việt Nam số.

Tuy nhiên, theo báo cáo của công ty nghiên cứu Forrester, hiện mới chỉ 11% doanh nghiệp chuyển đổi số thành công, 89% còn lại lạc lối trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, lý do chính khiến các doanh nghiệp chuyển đổi số thất bại là có những nhận thức sai lầm trong kế hoạch, từ đó dẫn đến không gắn kết được lợi ích của chuyển đổi số với mục tiêu kinh doanh. Tất nhiên, sự thiếu sót trong phân bổ nguồn lực và thiếu hệ sinh thái số thuận lợi cũng là tác nhân gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.

Trong Quyết định Số 749/QĐ-TTg phê duyệt “Chương trình chuyển đổi số Quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh tầm quan trọng của nhận thức sẽ đóng vai trò quyết định trong chuyển đổi số:“Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức. Một cơ quan, tổ chức có thể tiến hành chuyển đổi số ngay thông qua việc sử dụng nguồn lực, hệ thống kỹ thuật sẵn có để số hóa toàn bộ tài sản thông tin của mình, tái cấu trúc quy trình nghiệp vụ, cơ cấu tổ chức và chuyển đổi các mối quan hệ từ môi trường truyền thống sang môi trường số.”

Các doanh nghiệp cần nhanh chóng thay đổi nhận thức của bản thân về chuyển đổi số, tận dụng tối đa cơ hội phát triển kinh tế số, xã hội số. Cần xác định sớm lộ trình và đẩy nhanh tiến trình số hóa, nếu đi nhanh, đi trước sẽ giúp doanh nghiệp dễ thu hút được nguồn lực. Nếu đi chậm, đi sau, khi chuyển đổi số đã trở thành xu hướng phổ biến thì nguồn lực sẽ trở nên khan hiếm, cơ hội sẽ ít đi và bỏ lỡ cơ hội phát triển.

chuyen-doi-so-viet-nam
Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ về tầm quan trọng của chuyển đổi số

"Nếu như trước đây, quy luật cạnh tranh là cá lớn nuốt cá bé, nay là cá nhanh nuốt cá chậm. Trong xu hướng chuyển đổi số, những tổ chức, doanh nghiệp chậm chân sẽ bị loại bỏ", ông Dũng phát biểu tại sự kiện Ngày Internet Việt Nam sáng 16/12 tại Hà Nội. 

Thứ trưởng Dũng cũng đề xuất, để đẩy nhanh chuyển đổi số, cần mở rộng hơn nữa khả năng tiếp cận Internet, hướng tới phổ cập Internet toàn dân và thực hiện mục tiêu của Chương trình chuyển đổi số Quốc gia: "Mỗi người dân có một điện thoại thông minh, mỗi hộ gia đình có một đường Internet cáp quang tốc độ cao. Bên cạnh đó, cần phát triển hạ tầng số quốc gia đáp ứng các yêu cầu mới về bùng nổ thiết bị thông minh IoT và giao tiếp máy - máy; phát triển hệ sinh thái nền tảng số Made in Vietnam đáp ứng nhu cầu của người dân Việt Nam và đi ra thế giới; đồng thời đặt nhiệm vụ làm chủ hạ tầng số, không gian mạng quốc gia, bảo vệ chủ quyền số quốc gia là một nhiệm vụ cần được ưu tiên hàng đầu."

Tuấn Nguyễn
Cafe Khởi nghiệp