TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước chính thức triển khai mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng dự kiến với hơn 15.000 người tham gia.
TP. Hồ Chí Minh là địa phương đầu tiên trên cả nước chính thức triển khai mạng lưới cộng tác viên sức khoẻ cộng đồng dự kiến với hơn 15.000 người tham gia.
Ảnh minh họa: HCDC |
Đây sẽ là cánh tay nối dài của các trạm y tế phường, xã đến tận các hộ gia đình, góp phần triển khai hiệu quả chương trình y tế cộng đồng trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong những năm tiếp theo.
Các điều kiện cần để hình thành mạng lưới các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng trên địa bàn thành phố đã có, cụ thể là chính sách hỗ trợ cộng tác viên sức khỏe cộng đồng đã được Nghị quyết số 22/2023/NQ-HĐND ngày 11/11/2023 của HĐND TP. Hồ Chí Minh thông qua, Quyết định số 5632/QĐ-UBND của UBNDTP ban hành Đề án "Chính sách đặc thù phát triển mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng" và mới đây là hướng dẫn tuyển chọn cộng tác viên sức khỏe cộng đồng đã được Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh ban hành tại công văn số 1016/HD-SYT ngày 5/2/2024.
Bên cạnh đó, Sở Y tế đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (HCDC) là cơ quan chịu trách nhiệm đào tạo, huấn luyện và giám sát hoạt động của mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Theo đó, vào sáng ngày 15/03/2024, lớp đào tạo giảng viên cho "Mạng lưới cộng tác viên sức khỏe cộng đồng" đã chính thức khai giảng. Lớp tập huấn đặc biệt này bao gồm 50 học viên đến từ các Trung tâm Y tế , bao gồm những học viên đã có kinh nghiệm trong công tác tuyền thông và giáo dục sức khỏe từ 2 năm trở lên và được đơn vị phân công phụ trách tập huấn cho cộng tác viên của địa phương trong thời gian tới.
HCDC đã biên soạn 3 chương trình đào tạo, gồm: đào tạo giảng viên (theo mô hình TOT), lớp dành cho nhân viên tại Trạm Y tế các kỹ năng quản lý, vận hành hiệu quả mạng lưới cộng tác viên và các lớp đào tạo cho cộng tác viên sức khỏe cộng đồng. Sau khóa đào tạo này, các học viên sẽ trở về tổ chức huấn luyện cho mạng lưới cộng tác viên của địa phương mình đang công tác. HCDC sẽ luôn sát cánh cùng các Trung tâm Y tế trong việc tổ chức các khóa đào tạo cũng như triển khai hoạt động của mạng lưới cộng tác viên.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, mô hình cộng tác viên sức khỏe cộng đồng (Community Health Workers - CHWs) đã tồn tại ở nhiều quốc gia trên thế giới như Ấn Độ, Kenya, Uganda, Ethiopia, Nigeria, và nhiều quốc gia khác trên các châu lục khác nhau. Tại các quốc gia này, mạng lưới các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng đã chứng minh vai trò quan trọng trong việc cung cấp dịch vụ y tế cơ bản, giáo dục sức khỏe, và hỗ trợ đến cộng đồng, đặc biệt ở những khu vực khó tiếp cận trong hệ thống y tế chính thức.
Các cộng tác viên sức khỏe cộng đồng thường được đào tạo để giúp đỡ trong việc phòng ngừa bệnh, quản lý bệnh mạn tính, tiêm chủng, tư vấn về dinh dưỡng và sức khỏe sinh sản. Sự hiện diện và công việc của cộng tác viên sức khỏe cộng đồng mang lại lợi ích lớn cho việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng và là cầu nối quan trọng giữa cộng đồng và hệ thống y tế chính thức.