Đối với tỷ phú, nhà đầu cơ lừng danh Ray Dalio, Bitcoin có thể được coi như một loại vàng kỹ thuật số nhưng ông vẫn thích vàng hơn.
Đối với tỷ phú, nhà đầu cơ lừng danh Ray Dalio, Bitcoin có thể được coi như một loại vàng kỹ thuật số nhưng ông vẫn thích vàng hơn.
“Nếu bạn dí súng vào đầu tôi và bắt tôi chọn một trong hai, tôi sẽ chọn vàng”, ông Dalio cho hay.
Tỷ phú Dalio, 72 tuổi, tiết lộ hồi tháng 5 về việc sở hữu Bitcoin nhưng không nói rõ số lượng. Suốt mấy năm trước đó, ông từng nhiều lần bày tỏ lo ngại về tiền ảo. Giờ đây, tuy đã mua Bitcoin, song ông nói rằng ông vẫn chưa cảm thấy hoàn toàn bị thuyết phục bởi loại tài sản này.
“Tôi có một lượng nhỏ Bitcoin. Tôi không mua nhiều”, ông Dalio cho biết. “Có một số loại tài sản nhất định mà bạn muốn nắm giữ để đa dạng hoá danh mục và Bitcoin giống như một dạng vàng kỹ thuật số”.
Năm 2017, ông Dalio rời cương vị đồng Tổng giám đốc của Bridgewater Associates - công ty quản lý quỹ đầu cơ do ông sáng lập và phát triển thành công ty lớn nhất thế giới trong lĩnh vực này. Hiện ông giữ vai trò Chủ tịch kiêm đồng Giám đốc đầu tư của Bridgewater. Năm ngoái, ông mở Principles, một startup về phần mềm quản lý con người.
Từ nhiều năm qua, Dalio được biết đến như một nhà đầu tư ưa chuộng vàng. Năm 2019, ông viết trên LinkedIn rằng bổ sung vàng vào danh mục đầu tư có thể giúp cân bằng danh mục vì vàng vừa làm giảm rủi ro, vừa tăng khả năng lợi nhuận. Quý 2 năm ngoái, Bridgewater rót hơn 400 triệu USD mua vàng.
Theo dữ liệu của hãng tin Reuters, các ngân hàng trung ương trên thế giới hiện nắm hơn 35.000 tấn vàng, chiếm khoảng 1/5 tổng số vàng được khai mỏ từ trước đến nay. Mục đích của các ngân hàng trung ương khi nắm giữ vàng là đa dạng hoá danh mục, và bởi vàng là một hàng hoá hữu hạn nên có bản chất chống lạm phát.
Hồi tháng 5, ông Dalio nhận định rằng Bitcoin cũng có thể giúp chống lạm phát. Tuy nhiên, nếu buộc phải chọn giữa vàng và Bitcoin, ông sẽ chọn vàng vì vàng có một lịch sử lâu đời với tư cách “một kênh lưu trữ giá trị” - nghĩa là một tài sản có thể được nắm giữ và được chuyển đổi thành tiền với mức giá tương tự như giá mua.
Nói cách khác, sự biến động chóng mặt của giá Bitcoin là một mối lo đối với ông Dalio. Và “ông trùm” đầu cơ không phải là người duy nhất đưa ra quan điểm như vậy.
Theo Dalio, hoàn toàn có khả năng Bitcoin sẽ bị Chính phủ Mỹ đưa vào vòng cấm. Đã có một tiền lệ xảy ra cách đây gần 1 thế kỷ: vào năm 1934, Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt ký Đạo luật Dự trữ vàng, chuyển tất cả chứng chỉ vàng do tư nhân nắm giữ ở Mỹ vào quốc khố. Ở thời điểm đó, Mỹ đang thực thi chế độ bản vị vàng, và ông Roosevelt hy vọng sẽ đưa nền kinh tế quốc gia thoát khỏi Đại suy thoái bằng cách phá giá đồng USD.
Nếu một cuộc suy thoái kinh tế lớn hoặc siêu lạm phát xảy ra, Chính phủ Mỹ và các chính phủ khác trên thế giới có thể hành động tương tự đối với Bitcoin và các tiền ảo khác.
Tương tự như Dalio, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell cũng không phải là một người hâm mộ tiền ảo. Hồi tháng 4, ông Powell gọi tiền ảo là “công cụ đầu cơ”. Ông cũng so sánh tiền ảo với vàng, nhưng cho rằng nhân loại bấy lâu nay gán cho vàng “một giá trị đặc biệt mà vàng không hề có” với tư cách một kim loại công nghiệp.
Những năm gần đây, nhiều chuyên gia tài chính đã lên tiếng cảnh báo về sự biến động của tiền ảo, cho rằng nhà đầu tư chỉ nên rót vào tiền ảo số tiền mà họ có thể chấp nhận mất. Đối với ông Dalio, Bitcoin chỉ là một mảnh ghép bé nhỏ trong danh mục đầu tư khổng lồ của ông.
“Tôi chỉ nghĩ đến việc đa dạng hoá mà thôi. Thực sự là tôi không biết giá Bitcoin sẽ tăng hay giảm. Tôi có thể lập luận theo cả hai hướng”, ông nói.
Ông Dalio nói rằng, vấn đề then chốt ở đây là liên tục đánh giá lại những khoản đầu tư này, và tránh việc mua thêm một tài sản như Bitcoin chỉ vì tài sản đó đang tạm thời tăng giá.
“Hãy cẩn trọng về thứ mà bạn rót tiền vào. Và hãy đa dạng hoá trên phạm vi toàn cầu, thay vì chỉ trong một thị trường như Mỹ”, ông nói.