Quy định mới về thế chấp sổ đỏ, Nghị định 21/2021 của Chính phủ có hiệu lực từ giữa tháng 5 đã cho phép cá nhân, tổ chức nhận thế chấp sổ đỏ, sổ hồng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại hoạt động này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Quy định mới về thế chấp sổ đỏ, Nghị định 21/2021 của Chính phủ có hiệu lực từ giữa tháng 5 đã cho phép cá nhân, tổ chức nhận thế chấp sổ đỏ, sổ hồng. Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến lo ngại hoạt động này sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Theo quy định trước đây, chỉ có các tổ chức tín dụng được nhận thế chấp sổ đỏ, sổ hồng thì nay tại điều 35 Nghị định số 21/2021 về việc thi hành Bộ luật dân sự về nghĩa vụ bảo đảm, có hiệu lực từ ngày 15/5, cho phép cá nhân người dân được nhận thế chấp quyền sử dụng đất (sổ đỏ).
Cụ thể, theo điều 35 nghị định này quy định: "Bên nhận thế chấp là tổ chức kinh tế theo quy định của Luật đất đai, cá nhân là công dân Việt Nam có năng lực hành vi dân sự đầy đủ".
Như vậy, với quy định này, bất kỳ ai đủ năng lực hành vi dân sự đều có thể nhận thế chấp sổ đỏ do cá nhân, hộ gia đình đang sử dụng đất cùng tài sản gắn liền với đất. Nếu nhận thế chấp để vay mượn tài sản (kèm có trả lãi) thì việc tính lãi suất, lãi trả chậm... được áp dụng theo quy định của Bộ luật dân sự hiện hành.
Nghị định số 21/2021 với quy định chi tiết, rõ ràng được đánh giá sẽ tạo ra hành lang pháp lý cho các giao dịch giữa cá nhân, hộ gia đình với nhau trong nhiều hoạt động. Như với nhiều cá nhân, khi có nhu cầu vay gấp 50 triệu đồng hay 100 triệu đồng nhưng thủ tục ngân hàng phải chờ lâu thì họ sẽ vay mượn cá nhân khác.
Thực tế đã có nhiều câu chuyện, trước đây các văn phòng công chứng sẽ không đồng ý chứng nhận hợp đồng vay mượn với tài sản thế chấp là sổ đỏ khiến nhiều giao dịch vay mượn lại bị chuyển thành hợp đồng mua bán nhà đất, dẫn đến người đi vay thiệt hại, thậm chí bị mất luôn nhà vì một khoản vay nhỏ.
Theo VietNamNet, nhiều luật sư cho rằng quy định mới này sẽ khiến cho người dân thực hiện được quyền sở hữu bất động sản của mình, hợp pháp hóa nhiều giao dịch vay mượn nhỏ lẻ không thuộc ngân hàng và tránh những vụ lừa đảo diễn ra xoay quanh câu chuyện vay mượn như trước đây.
Xem thêm: Những điểm mới trong Bộ Luật Lao động sửa đổi
Mặc dù Nghị định 21/2021 được đánh giá là tạo ra cơ hội và tháo gỡ nút thắt hoạt động tín dụng trong dân sự, song nhiều ý kiến cho rằng, không vì thế mà cá nhân, tổ chức nhận bảo đảm và người có tài sản thế chấp tránh được hết rủi ro trong giao dịch.
Trả lời Vietnamnet, luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Law Firm cho rằng vấn đề về thế chấp, quy trình nhận thế chấp, cơ chế về giao dịch bảo đảm, định giá, xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi các khoản vay là cả một vấn đề rất phức tạp.
“Với các tổ chức tín dụng thì vấn đề xử lý nợ thu hồi nợ đã có nhiều nghị quyết, còn đối với cá nhân thì việc kiểm soát sẽ thế nào? Cơ chế nào để xác định khâu đầu vào từ việc thẩm định giá cho vay, giải ngân cho đến việc xử lý tài sản nợ. Nếu không có những hướng dẫn chi tiết thực hiện thì sẽ phát sinh những hệ lụy lớn”, luật sư Tú nhận định.
Từ quy định trên không ít vấn đề được đặt ra, trong trường hợp tài sản không được đăng ký giao dịch đảm bảo, người đứng tên trên giấy tờ thực hiện thế chấp cho nhiều tổ chức, cá nhân khác thì giải quyết tranh chấp như thế nào? Khi ngân hàng thực hiện nhận thế chấp tài sản của khách hàng phải qua phòng công chứng xác nhận giao dịch, tài sản được đăng ký tại trung tâm đăng ký giao dịch đảm bảo… Vậy khi các tổ chức, cá nhân thực hiện nhận thế chấp tài sản có phải thực hiện các bước này hay không?
Luật sư Tú cho rằng, cá nhân có thể làm được các bước trên nhưng tính chính xác, khoa học, tuân thủ pháp luật đến đâu là điều quan trọng nhất.
Khi thực hiện hợp đồng để đòi nợ, trong đó có quyền đòi nợ là “siết” nhà. Nếu trường hợp người nợ chây ì, không chịu giao nhà, lúc này người cho vay nếu không dùng các biện pháp “xã hội đen” đòi nợ thì phải thực hiện kiện ra tòa. Quy trình đòi nợ qua tòa cũng giống như các ngân hàng hiện nay. Chính vì vậy, khi đã cho phép các cá nhân cho vay nhận thế chấp sổ đỏ, sổ hồng thì cần có cơ chế giám sát vô cùng chặt chẽ để đảm bảo không xảy ra những phức tạp cho xã hội như vấn đề tín dụng đen…