Trong năm 2020 vừa qua, “ông trùm” Bernard Arnault đã chứng minh được rằng ngành hàng xa xỉ đích thực là một "mỏ vàng", ngay cả khi kinh tế toàn cầu lao đao vì đại dịch Covid-19.
Trong năm 2020 vừa qua, “ông trùm” Bernard Arnault đã chứng minh được rằng ngành hàng xa xỉ đích thực là một "mỏ vàng", ngay cả khi kinh tế toàn cầu lao đao vì đại dịch Covid-19.
Đại dịch Covid-19 có ảnh hưởng không nhỏ đến “đế chế” LVMH mà ông Bernard Arnault đứng đầu, khi doanh thu giảm tới 17% và lợi nhuận giảm 28% trong năm 2020. Tuy nhiên, diễn biến giá cổ phiếu LVMH lại là một câu chuyện hoàn toàn khác. Kể từ ngày 18/3/2020 đến nay, giá cổ phiếu LVMH đã tăng 107%, một dấu hiệu cho thấy các nhà đầu tư đặt cược rằng doanh thu và lợi nhuận của LVMH sớm muộn gì cũng khởi sắc.
Nhờ đó mà khối tài sản ròng cá nhân của ông Bernard Arnault hiện đạt 171 tỷ USD, tương đương tăng 95 tỷ USD so với cách đây hơn 1 năm, theo Forbes. Với khối tài sản này, hiện ông Bernard Arnault là người giàu thứ 3 thế giới trong xếp hạng tỷ phú của Forbes.
Báo cáo kết quả kinh doanh của LVMH công bố hôm 13/4 cho thấy, đế chế LVMH đạt doanh thu 16,7 tỷ USD trong quý 1/2021, tương đương tăng gần 1/3 so với cùng kỳ năm 2020. Mức tăng này chủ yếu nhờ các sản phẩm đồng hồ, nữ trang, thời trang và đồ da. Nhà phân tích Thomas Chauvet thuộc Citigroup dự báo doanh thu của LVMH tăng trưởng mạnh trong năm 2021 nhờ sức mua lớn tại 2 thị trường Trung Quốc và Mỹ.
Tài sản của "ông trùm Bernard Arnault" chủ yếu tập trung từ cổ phần 47% mà ông nắm giữ trong LVMH, tập đoàn với hàng loạt thương hiệu "khủng" trong lĩnh vực hàng xa xỉ, từ Louis Vuitton tới Fendi, từ rượu vodka Belvedere cho tới rượu champagne Dom Perignon. Ngoài ra, ông Bernard Arnault còn nắm 2% cổ phần hãng đồ hiệu Hermes, 6% trong hãng bán lẻ Pháp Carrefour, khoảng 1 tỷ USD tiền mặt và các khoản đầu tư khác.
Hơn 1 năm qua là khoảng thời gian đáng nhớ đối với Bernard Arnault. Cổ phiếu LVMH sụt tới 25% trong 2 tuần đầu của tháng 3 năm ngoái, về mức 343 USD mỗi cổ phiếu. Tuy nhiên, đến tháng 11/2020, cổ phiếu này đã tăng lên mức 589 USD mỗi cổ phiếu, cao hơn 13% so với mức đỉnh trước đại dịch Covid-19.
Vào tháng 1/2021, LVMH giành thắng lợi quan trọng khi hoàn tất thương vụ đầy khó khăn mua lại hãng nữ trang cao cấp Mỹ Tiffany với giá khoảng 16 tỷ USD.
Đầu năm ngoái, LVMH gặp khó khăn lớn khi phải đóng nhiều cửa hiệu ở các thị trường chủ chốt như Trung Quốc và châu Âu. Tuy nhiên, trong nửa cuối năm ngoái, tình hình kinh doanh bắt đầu khởi sắc khi kinh tế Mỹ và Trung Quốc hồi phục. Mảng thời trang và đồ da của LVMH với những thương hiệu chủ chốt như Louis Vuitton và Givenchy đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số.
Không chỉ kinh doanh đồ hiệu, "ông trùm" Bernard Arnault Bernard Arnault còn điều hành một văn phòng gia đình có tên Financiere Agache, đầu tư vào doanh nghiệp trong nhiều ngành nghề khác nhau từ y tế cho đến mảng cho vay thế chấp nhà.
Tháng 2/2021, vị tỷ phú Bernard Arnault bước chân vào xu hướng mới nhất trên thị trường tài chính là SPAC. Đây là những công ty rỗng, không có hoạt động sản xuất hay kinh doanh nào mà chỉ huy động tiền vốn từ nhà đầu tư rồi đi tìm mục tiêu mua lại. Ông Bernard Arnault đã mở một SPAC riêng có tên Pegasus Europe và dự kiến sẽ niêm yết trên thị trường chứng khoán Hà Lan.