Tiếp nối những thành tựu đạt được về xuất khẩu năm 2021, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tiếp nối những thành tựu đạt được về xuất khẩu năm 2021, trong 5 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 152,81 tỷ USD, tăng 16,3% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 40,25 tỷ USD, tăng 20,8%, chiếm 26,3% tổng kim ngạch xuất khẩu. Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 112,56 tỷ USD, tăng 14,8% chiếm 73,7%. Trong đó có 28 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 85,7% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong số này 6 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD chiếm 62,3%.
Về thị trường xuất khẩu hàng hóa 5 tháng đầu năm 2022, theo Tổng cục Thống kê, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch ước đạt 46,7 tỷ USD. Việt Nam xuất siêu sang EU ước đạt 13,4 tỷ USD, tăng 43,6% so với cùng kỳ năm trước.
Để đạt kể quả nêu trên phải kể đến việc chuyển hướng phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết 128/NQ-CP đã có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ngành công nghiệp.
Cùng với đó các doanh nghiệp đã nỗ lực biến thách thức thành cơ hội, khả năng chống chịu của các doanh nghiệp và sự chuyển mình cho phù hợp với các điều kiện mới. Một yếu tố quan trọng phải kể đến là 15 hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, đặt biệt là các FTA thế hệ mới như: Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Vương quốc Anh - Việt Nam (UKVFTA) và mới đây là Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022 đã có ảnh hưởng rất lớn tới việc xuất khẩu của Việt Nam.
Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Phó chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ thành phố Hồ Chí Minh (HAWA), các FTA thế hệ mới như: EVFTA, CPTPP… đã hỗ trợ ngành chế biến gỗ Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu ra nhiều thị trường, tăng khả năng cạnh tranh với các mặt hàng các quốc gia khác, đặc biệt là các quốc gia không có hiệp định. Kết quả là các mặt hàng nội thất bằng gỗ xuất khẩu đều tăng mạnh.
Còn theo bà Nguyễn Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), quý I/2022 xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam đã đạt hơn 259 triệu USD, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng gấp 1,6 lần so với cùng kỳ năm 2019, thời điểm trước khi bùng phát đại dịch Covid-19. Đây cũng là kết quả xuất khẩu các ngừ cao nhất so với cùng kỳ trong 5 năm qua.
Tuy nhiên xuất khẩu Việt Nam còn gặp các hạn chế như các doanh nghiệp xuất khẩu chưa nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng của giá cả, tính cạnh tranh của giá cả còn thấp. Phần lớn việc định giá là dựa vào giá cả của đối thủ cạnh tranh. Các doanh nghiệp xuất khẩu vẫn chưa thật sự chủ động trong việc nghiên cứu nhu cầu thị trường để hoạch định chiến lược giá; thiếu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, sử dụng thiết bị công nghệ lạc hậu, chi phí nguyên vật liệu cao, năng suất lao động thấp do đó chi phí kinh doanh cao nên lợi nhuận thấp, doanh nghiệp không có nguồn lực để phát triển.
Đa số doanh nghiệp Việt Nam còn chưa đáp ứng được các quy định nghiêm ngặt về an toàn vệ sinh thực phẩm và các quy định về chất lượng. Hầu hết các doanh nghiệp đều tự mình thực hiện tất cả các khâu trong quá trình xuất, nhập khẩu, điều này sẽ dẫn đến việc các doanh nghiệp sẽ mất rất nhiều thời gian và nhiều lúc gặp khó khăn từ phía đối tác. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng chưa xây dựng được thương hiệu mạnh vì chưa có chính sách xây dựng thương hiệu, chi phí để quảng cáo, quảng bá thương hiệu cao.
Nhiều doanh nghiệp hiện cũng thiếu hiểu biết về pháp luật, thông lệ quốc tế, thiếu thông tin và không tích cực tìm hiểu những quy định của các nước nhập khẩu hay những quy định của tổ chức thương mại thế giới. Chính sự thiếu hiểu biết này mà gây không ít khó khăn cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam, làm hạn chế khả năng kinh doanh của doanh nghiệp như việc doanh nghiệp nước ta từng bị kiện bán phá giá cá tra, cá basa, tôm (do các doanh nghiệp Mỹ kiện), giầy da (do các doanh nghiệp EU khởi kiện), nhãn hiệu nước mắm Phú Quốc bị Thái Lan chiếm dụng nhãn hiệu.
Để đẩy mạnh công tác xuất khẩu của Việt Nam, ngày 19/4/2022, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký quyết định số 493/QĐ-TTg phê duyệt chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 với mục tiêu tốc độ tăng trưởng xuất khẩu hàng hóa bình quan 6%-7%/năm trong thời kỳ 2021-2030.
Chiến lược đặt mục tiêu giai đoạn 2021-2025 tăng trưởng xuất khẩu bình quan 8%-9%/năm; giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng bình quân 5%-6%/năm. Đối với năm 2022, theo chuyên gia kinh tế - tiến sĩ Cấn Văn Lực, xuất khẩu năm 2022 sẽ đạt 372-380 tỷ USD, tăng 13%-15% dự báo dựa vào các yếu tố như dịch bệnh dự báo sẽ được kiểm soát tốt hơn, cùng với việc các FTA thế hệ mới có hiệu lực, tiếp tục mở ra nhiều cơ hội cho thương mại, đầu tư và du lịch của Việt Nam.
Để đạt mục tiêu xuất khẩu trong năm 2022 cần có các giải pháp cụ thể, về phía nhà nước là cần tiếp tục xây dựng các cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu phù hợp với diễn biến tình hình trong và ngoài nước. Cơ chế, chính sách xuất nhập khẩu cần gắn với phát triển kinh tế chung của cả nước, thúc đẩy phát triển xuất nhập khẩu bền vững.
Nhà nước cần đưa ra các chính sách và các giải pháp cho các mặt hàng chiến lược, chú trọng bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp Việt Nam; hỗ trợ các doanh nghiệp nắm chắc các quy định để tận dụng các cơ hội, khắc phục những hạn chế, thách thức, khai thác, phát huy tối đa lợi thế của các FTA; cung cấp thông tin kịp thời cho các doanh nghiệp về những cơ hội thị trường, phương hướng chung và hỗ trợ cho doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, phát huy lợi thế so sánh, đủ sức hội nhập với khu vực và thế giới; có chính sách ưu đãi vốn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, như tiếp cận với nguồn vốn vay dễ dàng hơn với mức lãi suất ưu đãi; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng và bảo vệ thương hiệu (sở hữu trí tuệ) và giảm chi phí, giá thành thông qua phát triển hạ tầng cơ sở và logistics.
Về phía doanh nghiệp, cần đầu tư đổi mới và nâng cao chất lượng máy móc, thiết bị; công nghệ sản xuất, quy trình phương thức quản trị doanh nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường các mối liên kết giữa các khâu sản xuất - vận chuyển - chế biến - tiêu thụ; giữa các doanh nghiệp cung ứng nguyên phụ liệu với doanh nghiệp sản xuất sản phẩm cuối; áp dụng các tiêu chuẩn phù hợp với thị trường xuất khẩu gốm tiêu chuẩn kỹ thuật, tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm, tiêu chuẩn môi trường.
Các doanh nghiệp cũng cần tăng cường công tác quản lý chất lượng của các doanh nghiệp xuất khẩu. Các cơ quan có chức năng kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm cần tăng cường năng lực kiểm tra kiểm nghiệm để có thể phát hiện sớm những doanh nghiệp không đáp ứng được các yêu cầu về vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng các chế tài phù hợp với pháp luật để ngăn chặn những doanh nghiệp này tham gia vào hoạt động xuất khẩu những mặt hàng có nguy cơ vi phạm cao.